Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem xét yêu cầu các thiết bị di động 5G sử dụng tại Mỹ phải được thiết kế và sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Các nguồn tin cho tờ The Wall Street Journal biết hôm 23-6 rằng cuộc thảo luận về vấn đề này vẫn đang ở giai đoạn ban đầu và chưa chính thức. Nếu được thực thi, bước đi này nhiều khả năng buộc các công ty lớn chuyên cung cấp thiết bị mạng không dây cho Mỹ, như Nokia (Phần Lan) và Ericsson (Thụy Điển) sẽ phải di dời dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc để tiếp tục hợp tác kinh doanh với Mỹ.
Thông tin trên đe dọa phủ bóng lên cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 (nhóm 20 nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới) tại Nhật Bản cuối tuần này. Phát biểu trước thềm sự kiện này, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn hôm 24-6 cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc phải cùng thỏa hiệp và nhượng bộ trong tiến trình đàm phán thương mại. Dù vậy, quan chức này từ chối cho biết ông Tập Cận Bình có thể đưa ra thỏa hiệp gì để thuyết phục ông Trump đồng ý về một thỏa thuận thương mại tiềm tàng.
Hàng xuất khẩu tại một cảng ở tỉnh Giang Tô - Trung Quốc Ảnh: Reuters
Thứ trưởng Vương cho biết phái đoàn thương mại 2 nước đang tiến hành thảo luận nhưng không cung cấp chi tiết. Theo ông Vương, Trung Quốc muốn Mỹ hủy bỏ một số biện pháp đơn phương không phù hợp nhằm vào các công ty Trung Quốc theo tinh thần thương mại tự do và quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và cho rằng điều này sẽ có lợi cho cả 2 bên.
Phát biểu của ông Vương ám chỉ việc Mỹ liệt Tập đoàn Viễn thông Huawei vào danh sách đen thương mại hồi tháng trước cũng như đưa thêm 4 công ty và một viện công nghệ Trung Quốc liên quan đến phát triển siêu máy tính vào danh sách đen hồi tuần rồi. Những công ty bị liệt vào danh sách đen của Mỹ không được phép mua thiết bị, linh kiện cũng như hạn chế làm ăn với các doanh nghiệp tại nước này.
Ông Vương còn thúc giục các quốc gia G20 hành động chống lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ - động thái được xem là đòn giáng lên chính sách "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump.
Nhận định với tờ South China Morning Post (Hồng Kông), ông Shi Yinhong, chuyên gia tại Trường ĐH Nhân dân Trung Quốc, cho rằng cả 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đều cảm thấy việc đạt thỏa thuận tại cuộc gặp sắp tới không phải là vấn đề cấp thiết bởi họ suy nghĩ rằng thà không có thỏa thuận còn hơn là đạt được thỏa thuận tồi tệ. Mặt khác, một số nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh không nên đi quá xa với các biện pháp trả đũa thương mại vì mục đích cuối cùng là đưa Washington trở lại bàn đàm phán.
Trung Quốc được xem là sắp cạn "đạn dược" trong cuộc chiến thương mại kéo dài ngay cả khi nước này trong tháng 6 đã áp đặt thuế trả đũa lên 60 tỉ USD hàng hóa Mỹ và đưa ra một danh sách những thực thể "không đáng tin cậy" có thể được sử dụng để trừng phạt doanh nghiệp Mỹ. Ngoài ra, đã xuất hiện nỗi lo thương chiến có thể tác động tiêu cực lên kinh tế - xã hội Trung Quốc.
Bình luận (0)