Ngoại trưởng Ấn Độ S.M Krishna (phải) tiếp người đồng cấp Indonesia Marty Natalegawa tại New Delhi hôm 27-7. Ảnh: Reuters
Phát biểu sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa ở New Delhi hôm 27-7, Ngoại trưởng Ấn Độ S.M Krishna nhấn mạnh đến sự cần thiết của tự do đi lại trong những vùng biển quốc tế và kêu gọi tất cả các bên liên quan đến cuộc tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông giải quyết vấn đề thông qua đối thoại. Ông cho biết: “Chúng tôi đã theo dõi những diễn biến ở biển Đông. Ấn Độ ủng hộ sự tự do đi lại và khai thác các nguồn tài nguyên theo những nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Chúng tôi mong muốn những nguyên tắc này phải được tôn trọng bởi tất cả các bên”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa cho rằng dù có những nước đang tăng trưởng trong khu vực thì sự tăng trưởng này phải “có lợi” cho hòa bình và an ninh của khu vực. Hãng tin IANS (Ấn Độ) nhận định rằng lời lẽ này của ông Natalegawa là nhằm vào Trung Quốc. Ông Natalegawa nói thêm rằng các nước ASEAN vẫn đang tiếp tục những nỗ lực nhằm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông trong bối cảnh căng thẳng tại vùng biển này đang gia tăng.
Cuộc gặp trên diễn ra giữa lúc có những lời kêu gọi Ấn Độ cần tăng cường tiếng nói về vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông. Ông Harsh V Pant, giảng viên Trường King’s College London (Anh), nhận định rằng việc Bắc Kinh có những hành động hung hăng nhằm theo đuổi những tuyên bố chủ quyền của mình ở biển Đông không chỉ là tin xấu cho khu vực mà đặc biệt còn khiến Ấn Độ lo lắng. Theo ông, New Delhi cần phải hành động tích cực hơn nếu muốn duy trì được vai trò của mình ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á.
Trong khi đó, Mỹ một lần nữa nhắc lại lập trường ủng hộ một tiến trình ngoại giao mang tính cộng tác để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông, đồng thời phản đối những hành động đơn phương khiến căng thẳng leo thang.
Phát biểu tại Trung tâm Báo chí nước ngoài Washington hôm 27-7, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề công chúng Mike Hammer cho biết: “Lập trường của Mỹ là rõ ràng. Chúng tôi ủng hộ tất cả các bên liên quan đến tranh chấp ở biển Đông tham gia một tiến trình ngoại giao mang tính cộng tác để giải quyết vấn đề. Chúng tôi cũng lo ngại về những hành động đơn phương. Các nước trong khu vực nên đối thoại với nhau. Chúng tôi cần bảo đảm rằng vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông được giải quyết trong khuôn khổ luật pháp quốc tế hiện hành và thông qua đối thoại chứ không phải bằng những biện pháp bị xem là mối đe dọa tiềm tàng đối với những nước khác trong khu vực”.
Bình luận (0)