Tham vọng xây dựng “Con đường tơ lụa” của Trung Quốc gần đây gặp phải trở ngại ngoài dự kiến. Sau các cuộc đàm phán kéo dài 2 năm với Trung Quốc, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha vừa quyết định tự đầu tư xây tuyến đường sắt nối liền thủ đô Bangkok với TP Nong Khai ở miền Đông Bắc.
Lý do là Bangkok cho rằng lãi suất khoản vay của Bắc Kinh quá cao. Ngoài ra, chính phủ Thái Lan cho rằng phía sau lời đề nghị hỗ trợ về vốn và xây dựng của Trung Quốc là những điều kiện ràng buộc mà Bangkok không dễ dàng chấp nhận. Chẳng hạn, phía Trung Quốc thúc ép Thái Lan cho phép họ phát triển các dự án bất động sản thương mại tại các nhà ga và dọc tuyến đường sắt nói trên.
“Chúng tôi nói với phía Trung Quốc rằng sẽ không cấp quyền sử dụng đất cho những dự án như vậy. Thái Lan không giống như Lào” - Bộ trưởng Bộ Giao thông Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith nhấn mạnh với trang Bloomberg hôm 4-5. Tại Lào, theo ông Arkhom, Trung Quốc đã giành được quyền phát triển đất thương mại và yêu cầu tăng tài sản thế chấp để được cấp vốn.
Tuy vậy, Bộ trưởng Arkhom khẳng định “cánh cửa vẫn mở” để Trung Quốc rót vốn vào Thái Lan như thông qua Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), một định chế do Trung Quốc khởi xướng và dẫn đầu. Tuy nhiên, đến nay chưa có dấu hiệu những cuộc thảo luận về vấn đề này đã hoặc đang diễn ra.
Ông Richard Jerram, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Singapore, nhận định những khó khăn mà Trung Quốc gặp phải khi tiến hành các dự án thuộc “Con đường tơ lụa” ở những nước như Thái Lan là bằng chứng về “sự thiếu minh bạch nói chung về ý tưởng này”. Hiện chưa rõ “Con đường tơ lụa” có phải là một công cụ chính sách đối ngoại của Trung Quốc, trong đó đầu tư cần đi kèm viện trợ hay là một sáng kiến thuần thương mại, có thể không cần khoản vốn nào từ nhà nước. “Đúng là châu Á cần đầu tư cho cơ sở hạ tầng nhưng không hề thiếu vốn cho những dự án có khả năng sinh lợi” - ông Jerram nhận định.
Tại Indonesia, dự án xây đường sắt cao tốc nối thủ đô Jakarta với TP Bandung mà Trung Quốc có tham gia đã được cấp phép vào tháng 3 vừa qua sau một thời gian bị trì hoãn. Theo các nhà quan sát, đây là bước tiến quan trọng cho dự án này, qua đó thúc đẩy nỗ lực xuất khẩu cơ sở hạ tầng của Trung Quốc dọc “Con đường tơ lụa” bất chấp sự phản đối của những địa phương mà con đường này đi qua.
Với chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình, “Con đường tơ lụa” là trọng tâm trong nỗ lực tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt với các nước Trung Á và Đông Nam Á. Trên nhiều phương diện, Bloomberg đánh giá ý tưởng này rất hợp lý. Các khu vực trên cần hàng ngàn tỉ USD vốn đầu tư để xây dựng đường sá, sân bay cùng nhiều cơ sở hạ tầng trong lúc Bắc Kinh có tiềm lực tài chính và công nghiệp để hỗ trợ. Dù vậy, những trục trặc tại Thái Lan cho thấy mọi chuyện không phải lúc nào cũng thuận lợi như kỳ vọng của Trung Quốc.
Bị dè chừng
Tính từ đầu năm đến nay, các công ty Trung Quốc đã bỏ ra khoảng 108,5 tỉ USD để thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài, vượt qua con số 106 tỉ USD của cả năm 2015. Theo công ty nghiên cứu Dealogic, hợp đồng có giá trị kỷ lục là của Công ty ChemChina khi bỏ ra 48 tỉ USD mua lại công ty chuyên sản xuất thuốc trừ sâu và hạt giống Syngenta (Thụy Sĩ). Tuy nhiên, đã có một số thỏa thuận bị bác vì nỗi lo về an ninh quốc gia. Chẳng hạn, Công ty Chất bán dẫn Fairchild Semiconductor, trụ sở ở bang California - Mỹ, đã “bán mình” cho một công ty đồng hương thay vì chấp nhận lời chào mua giá cao hơn của một doanh nghiệp Trung Quốc.
Bình luận (0)