Hôm 16-9, Ấn Độ tuyên bố sẽ bảo vệ đường biên giới dài 3.500 km với Trung Quốc sau khi truyền thông nước này đưa tin về vụ xâm nhập của khoảng 200 binh lính thuộc Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Đụng độ liên tục
Theo báo Hindustan Times, số binh lính này vượt biên sang Ấn Độ ở khu vực Ladakh phía Tây dãy Himalaya hồi tuần trước, sử dụng cần cẩu, xe ủi và chiếc xe Hummer để xây dựng một con đường dài 2 km. Đêm 10-9, binh sĩ Ấn Độ phá hủy đoạn đường tạm nói trên sau khi yêu cầu lính Trung Quốc rút khỏi lãnh thổ.
Hôm 15-9, chính quyền New Delhi cũng tố cáo hàng trăm binh lính và dân thường Trung Quốc cản trở Ấn Độ xây dựng một con kênh ở Ladakh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin tuyên bố “những binh lính dũng cảm tại biên giới sẽ giải quyết bất cứ vụ việc nào tại khu vực này”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa
trong lễ đón chính thức tại sân bay quốc tế Bandaranaike ở TP Katunayake hôm 16-9. Ảnh: REUTERS
Những diễn biến trên được cho là sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới không khí cuộc hội đàm đầu tiên giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kể từ khi ông Modi nhậm chức hồi tháng 5.
Thăm New Delhi từ ngày 17-9, ông Tập dự kiến cam kết đầu tư tới 100 tỉ USD cho Ấn Độ nếu Bắc Kinh đạt được ảnh hưởng với chính quyền láng giềng. Một nửa gói đầu tư được cho là sẽ rót vào ngành đường sắt đang cực kỳ khát vốn của Ấn Độ.
Báo The Wall Street Journal (Mỹ) đánh giá việc Bắc Kinh sốt sắng đổ tiền của phản ánh nỗi sợ hãi rằng New Delhi có thể nghiêng quá xa về phía đối thủ của Trung Quốc - cụ thể là Nhật Bản và Mỹ đều đang “tán tỉnh” chính phủ mới của Ấn Độ.
“Trung Quốc không muốn mất Ấn Độ, cả về cơ hội kinh tế lẫn ảnh hưởng địa chính trị” - ông Prasad Kanti Bajpai, giáo sư nghiên cứu châu Á tại Trường ĐH Quốc gia Singapore, nhận định.
Dù gói đầu tư hứa hẹn của Trung Quốc gấp gần 3 lần thỏa thuận mà Thủ tướng Modi đạt được sau chuyến công du Tokyo hồi đầu tháng này, kỳ vọng lôi kéo New Delhi vẫn bị phủ bóng đen bởi những tranh chấp biên giới Trung - Ấn. Chính phủ Ấn Độ báo cáo quốc hội số lượng các vụ xâm phạm biên giới từ phía Trung Quốc đã lên tới 334 lần trong tháng 8.
Đầu tư mạnh vào Nam Á
Tuy nhiên, theo The Wall Street Journal, New Delhi cũng cần tiền để cải thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng các cơ sở sản xuất nhằm mang lại sự thịnh vượng cho quốc gia đông dân thứ 2 thế giới này. Do đó, chính quyền của ông Modi dường như tập trung tận dụng những lợi ích có được từ cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ.
Trước khi tới Ấn Độ, ông Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên đến Sri Lanka trong ngày 16-9 và phát động khởi công xây dựng thành phố cảng mới do Bắc Kinh hỗ trợ với tổng đầu tư 1,4 tỉ USD. Dự án này nằm ngay sát siêu cảng container trị giá 500 triệu USD do Trung Quốc sở hữu.
Hiện Bắc Kinh đã soán ngôi Ấn Độ và trở thành nước đầu tư nhiều nhất vào quốc gia được mệnh danh là “viên ngọc Ấn Độ Dương này”.
Ông Tập là lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên tới Sri Lanka trong vòng 28 năm qua và chuyến thăm diễn ra giữa lúc nhà lãnh đạo nền kinh tế số 2 thế giới đang thúc đẩy sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển” từ châu Á tới châu Âu qua Tây Phi trước sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ Nhật Bản và Ấn Độ - vốn cũng phụ thuộc vào con đường giao thương trên biển này.
Chuyến thăm kéo dài 2 ngày đến Maldives trước đó của ông Tập cũng đạt được nhiều thỏa thuận trong lĩnh vực như kinh tế, an ninh và hàng hải. Tổng thống Maldives Yameen Abdul Gayoom tuyên bố sẵn sàng tham gia dự án “Con đường tơ lụa trên biển”.
Bình luận (0)