Ngày 23-7, Trường ĐH Luật TP HCM phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức buổi hội thảo “Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”.
Gậy ông đập lưng ông
Nói như ông Paul Reichler - luật sư trưởng của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc - thì phán quyết ngày 12-7 của PCA là “chiến thắng áp đảo” dành cho Philippines bởi nước này gần như đạt được hầu hết yêu cầu trong các đệ trình gửi PCA. Trong số đó, đáng kể nhất có việc hội đồng trọng tài bác bỏ yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc căn cứ theo đường 9 đoạn ở biển Đông.
Nhận định về chiến thuật không tham gia thủ tục trọng tài, GS Yamagata Hideo của Trường ĐH Nagoya (Nhật) cho rằng đây là chiến thuật mạnh mẽ mà Trung Quốc dùng để bác bỏ cũng như không thực thi bất cứ phán quyết nào chống lại mình. Tuy nhiên, theo ông, chính vì vậy mà Trung Quốc tự đánh mất cơ hội để trình bày lập trường của mình hay phản ứng các quan điểm của Philippines. Thêm vào đó, Trung Quốc sẽ nhận lấy tiếng xấu là một siêu cường không tuân thủ luật pháp theo luật quốc tế nếu phớt lờ phán quyết.
Trước tình thế bất lợi cho Trung Quốc, GS Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, bàn đến câu hỏi Trung Quốc có rút khỏi UNCLOS hay không. Ông Thayer dẫn lời TS Tiết Quế Phương, Trường ĐH Giao thông Thượng Hải, cho rằng Trung Quốc được lợi khi tham gia UNCLOS và có nhiều lợi ích trong hoạt động khai khoáng biển sâu. Nếu rút khỏi UNCLOS, Trung Quốc vẫn bị ràng buộc bởi những cam kết và nghĩa vụ mà họ tham gia từ trước. Do đó, GS Gregory Rose, Trường ĐH Wollongong (Úc), đánh giá không có nhiều khả năng Trung Quốc rút khỏi UNCLOS, thay vào đó họ sẽ xét lại sai lầm nhằm tận dụng UNCLOS để giải quyết tranh chấp.
Cần chiến lược tổng thể
Hội nghị cũng bàn đến vấn đề quá trình giải quyết của PCA có là hình mẫu cho các nước khác hay không. Theo ông Thayer, việc đó hãy còn quá sớm để đưa ra một đánh giá xác đáng và hiện các nước khác muốn chờ xem tình hình trong vài tháng tới.
Bình luận với phóng viên Báo Người Lao Động về việc Trung Quốc bác bỏ thẩm quyền của hội đồng trọng tài, GS Donald R. Rothwell, Trường ĐH Quốc gia Úc, cho đó là động thái thiếu tính pháp lý. Theo ông, Trung Quốc đã tham gia UNCLOS thì phải chấp nhận thẩm quyền của cơ quan tài phán được thành lập theo công ước. Với câu hỏi Manila có thể nhờ Liên Hiệp Quốc hỗ trợ thực thi phán quyết một khi Bắc Kinh quyết lắc đầu hay không, ông Rothwell cho rằng phương án có khả năng nhưng thiếu hiệu quả bởi Trung Quốc có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Từ góc nhìn của Manila, PGS Jay L. Batongbacal, Trường ĐH Philippines, nêu ra thách thức hiện nay là làm sao để tận dụng phán quyết trên bàn đàm phán với Trung Quốc về đề xuất khai thác chung hay đàm phán sau sự cố trên biển... Hẳn nhiên, Manila đang có ưu thế về pháp lý. Còn nếu Trung Quốc tiếp tục lấn lướt, theo GS Thayer, các nước cần họp kín và thông qua các chiến lược “xử phạt thông minh” để buộc Trung Quốc trả giá. Sự vi phạm liên tục của Trung Quốc về các quyền tài phán của Philippines và các nước khác trong khu vực đòi hỏi một phản ứng tổng thể - phối hợp các sáng kiến chính trị và ngoại giao cùng biện pháp quân sự chiến lược của các quốc gia có cùng lập trường.
Các nhà nghiên cứu đồng thuận rằng vai trò dẫn đầu của Mỹ - thông qua hoạt động phối hợp với các đồng minh và đối tác - sẽ rất quan trọng trong việc vẽ ra cho Trung Quốc một con đường hợp tác, đồng thời có biện pháp đáp trả nếu nước này vẫn duy trì các hành vi gây mất ổn định.
Phủ bóng hội nghị ASEAN
Từ ngày 23 đến 26-7, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) và các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao liên quan.
Chủ đề nóng nhất tại các hội nghị nêu trên nhiều khả năng sẽ là vấn đề biển Đông bởi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) vừa ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. Trước khi sang Lào tham dự các hội nghị ASEAN vào tuần sau, một quan chức ngoại giao Mỹ tiết lộ Ngoại trưởng John Kerry sẽ hối thúc các nước Đông Nam Á tìm giải pháp ngoại giao để bắt đầu đàm phán với Trung Quốc nhằm hạ nhiệt biển Đông. Theo quan chức trên, điều quan trọng là các thành viên ASEAN “đạt được lập trường chung về nhiều vấn đề, trong đó có biển Đông”.
Tuy nhiên, hãng tin Reuters ngày 23-7 dẫn lời một số nhà ngoại giao tiết lộ các quốc gia ASEAN như thể bị rơi vào cảnh rối ren do Campuchia ngăn cản ASEAN đạt đến một sự đồng thuận về vấn đề biển Đông, sau khi một tòa án quốc tế bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với vùng biển này. Một nhà ngoại giao giấu tên cho biết: “Campuchia đã ngăn không đưa bất cứ cụm từ nào liên quan đến Tòa Trọng tài hay quân sự hóa vào dự thảo thông cáo Hội nghị ASEAN đang diễn ra ở Lào”.
Mỹ Nhung
Bình luận (0)