Theo CNIG, VT-4 do Trung Quốc chế tạo có tính tự động hóa, di động và hệ thống kiểm soát hỏa lực tốt hơn T-14 Armata của Nga. Bên cạnh đó, các công nghệ nói chung trên VT-4 đáng tin cậy hơn T-14 Armata.
Công ty này bắt lấy cơ hội chiếc siêu tăng của Nga chết máy trong một buổi tập trước lễ duyệt binh Ngày chiến thắng phát xít 9-5 vừa qua để “dìm hàng” đối thủ và tâng bốc sản phẩm của mình: “Truyền động của T-14 không được phát triển một cách tốt nhất. VT-4 chưa bao giờ gặp vấn đề (chết máy) giống như siêu tăng Nga. Xe tăng của chúng tôi còn có hệ thống kiểm soát hỏa lực đẳng cấp thế giới mà người Nga đang tìm cách bắt kịp”.
Ngoài ra, công ty này còn nhấn mạnh giá cả là ưu điểm của VT-4 vì có tính kinh tế hơn so với T-14 Armata. “Xe tăng Nga có giá tương tự một chiếc M1A2 Abrams của Mỹ. Tại sao không nghĩ đến xe tăng của Trung Quốc có công nghệ và trang thiết bị vượt trội nhưng giá cả rẻ hơn? – đoạn quảng cáo của CNIG cho hay. Sở dĩ có mức giá thấp vì Bắc Kinh muốn bán VT-4 cho quân đội các nước đang phát triển.
CNIG cho biết thêm trong khi Nga chỉ bán một phiên bản xe tăng thế hệ mới duy nhất ra nước ngoài (mẫu T-90S) thì Trung Quốc có thể cung cấp sản phẩm một cách đa dạng, bao gồm xe tăng phiên bản cấp thấp VT-2, trung cấp VT-1 cũng như cao cấp VT-4, thỏa mãn yêu cầu của tất cả khách hàng nước ngoài.
Theo trưởng bộ phận thiết kế xe tăng VT-4 Feng Yibai, thế hệ cao cấp này được trang bị các công nghệ tối tân nhất có thể sánh ngang xe tăng M1A2 Abrams của Mỹ hoặc Leopard 2A6 của Đức- là những xe tăng chiến đấu thế hệ ba cực kỳ hiện đại.
“Súng chính của VT-4 thuộc loại nòng trơn có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau như đạn động năng xuyên thấu và và đầu đạn chống tăng nổ mạnh. Nó cũng có thể bắn tên lửa chống tăng có tầm bắn tối đa 5 km” – China Daily dẫn lời ông Feng cho biết.
Trung Quốc có truyền thống dựa vào thiết kế và công nghệ phát triển vũ khí của Nga để chế tạo phiên bản của riêng mình. Trong khi siêu tăng T-14 Armata của Nga đóng vai trò là một bước đột phá kể từ thời Liên Xô, các nhà phân tích quân sự chỉ ra rằng VT-4 của Trung Quốc “rất giống một phiên bản cải tiến của xe tăng chiến tranh chủ lực T-90 của Nga”.
Ủy ban Đăng ký Vũ khí thông thường của Liên Hiệp Quốc cho biết giai đoạn 1992-2013, Trung Quốc xuất khẩu tổng cộng 461 xe tăng, còn Nga bán được tới 1.297 xe tăng. Trong khi đó, Mỹ vẫn là nhà xuất khẩu xe tăng hàng đầu thế giới với số lượng 5.511 chiếc, tiếp theo là Đức với 2.680 xe.
Bình luận (0)