“Theo chúng tôi được biết, số hàng hóa trên được chế tạo tại Đức và đang trên đường đến Hàn Quốc. Đây là con tàu của Anh đã rời nước Đức và chở theo tên lửa Patriot giao cho Hàn Quốc” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vị Dân nói.
Một số nguồn tin cho hay tên lửa trên được giao cho Trung Quốc nhưng ông Lưu bác bỏ: "Tôi không thấy có sự liên quan gì giữa chiếc tàu này và Trung Quốc. Các sự kiện đều đã quá rõ ràng".
Thuyền trưởng của tàu Thor Liberty đã bị bắt để điều tra. Ảnh: AP
Trước đó, các quan chức Đức khẳng định chuyến hàng gồm 69 tên lửa Patriot vừa bị Phần Lan phát hiện đang trên đường chuyên chở từ Đức tới Hàn Quốc và hoàn toàn hợp pháp.
Một phát ngôn viên Bộ quốc phòng Đức ngày 22-12 nói số tên lửa trên đường đến Hàn Quốc, có đầy đủ giấy tờ kê khai hợp pháp và đã được nhà chức trách Đức thông quan tất cả. Tuy nhiên, ông này cho biết không có kê khai thuốc nổ trong chuyến hàng.
Trong khi đó, phía Phần Lan lại nói chuyến hàng trên đang tới Thượng Hải - Trung Quốc. Nhà chức trách Phần Lan đã phát hiện và giữ lại những tên lửa này hôm 21-12 khi kiểm tra tàu hàng Thor Liberty đậu tại cảng Kotka ở miền nam nước này. Ngoài 69 tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất còn có khoảng 160 tấn chất nổ trên tàu.
Đơn vị chống tội phạm của Hải quan Phần Lan đã bắt giữ thuyền trưởng người Ukraine và phụ tá của ông để điều tra. Theo cảnh sát, các tên lửa trên không có giấy quá cảnh hợp lệ và số thuốc nổ cũng không được đóng gói đúng quy cách.
Ông Klaus Kaartinen, phát ngôn viên của Cục Điều tra quốc gia Phần Lan, nói: “Ngay cả khi chuyến hàng tên lửa trên hợp pháp thì vẫn có chỗ không phù hợp với luật pháp Phần Lan, vì nó đã không được khai báo đúng”. Số tên lửa trên được đựng trong thùng gỗ có dán nhãn “pháo hoa”.
Tên lửa Patriot được sử dụng phổ biến trong chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Ảnh: The Blaze
Mặt khác, ông Markku Koskinen, Giám đốc Điều hành giao thông tại cảng Kotka, cho biết: “Số thuốc nổ trên hợp lệ và có thể tiếp tục hành trình đến Trung Quốc ngay sau khi được đóng gói an toàn”.
Tên lửa Patriot do công ty Raytheon và Lockheed Martin sản xuất với khả năng tiêu diệt chiến đấu cơ, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Chúng được quân đội Mỹ sử dụng tối đa trong cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991 và nay được trực chiến ở nhiều quốc gia và lãnh thổ, gồm Ai Cập, Đức, Israel, Nhật, Ả Rập Saudi, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Bình luận (0)