Theo truyền thông địa phương, sáng kiến trên được nhà trường áp dụng với 49 học sinh trong một chương trình đặc biệt nhằm chuẩn bị cho họ thi vào các trường đại học Mỹ hồi tháng 11-2016.
Các em có thể mượn điểm từ ngân hàng cho các môn khó nhai như ngôn ngữ, sinh học, hóa học và lịch sử. Đến nay, có 13 học sinh đã vay mượn điểm từ ngân hàng trên. Một học sinh tên Tiểu Chu nói với báo Dương Tử Buổi tối: “Em vắng vài tiết học vì bị bịnh. Cho nên làm không tốt bài kiểm tra địa lý. Thế nhưng ngân hàng điểm đã cứu vãn tình thế”.
Hoạt động giống ngân hàng thật sự, học sinh sẽ được cấp “điểm tín dụng” dựa trên hành vi, chuyên cần và việc hoàn thành công việc dọn vệ sinh trên lớp. Dĩ nhiên, mượn thì phải trả, các em sẽ "trả nợ" trong những lần thi tiếp theo.
Một số giáo viên giúp các em có thêm điểm cộng từ phát biểu trên lớp, thực hành thí nghiệm để có điểm trả nợ. Lỡ như không trả nợ đúng hạn, học sinh sẽ bị phạt và bị liệt vào “danh sách đen”. Nếu giáo viên chấp thuận, họ thậm chí có thể nhờ một người bạn cùng lớp trả nợ giúp.
Một học sinh ở TP Hợp Phì gục bên sách vở khi học ôn thi đại học. Ảnh: REUTERS
Trả lời truyền thông địa phương, đại diện trường cho biết sáng kiến trên chỉ nhằm thay đổi văn hóa thi cử của nước này và “khám phá một hệ thống đánh giá mới”. Theo lời người đại diện trường, điểm số đã trở thành tất cả mọi thứ trong các kỳ thi và vô hình trung gây áp lực lớn lên học sinh.
Hệ thống giáo dục của Trung Quốc lâu nay bị chỉ trích là quá cứng nhắc, lệ thuộc vào điểm số như các kỳ thi đại học khốc liệt. Một nghiên cứu do một nhóm giáo dục phi lợi nhuận tại Bắc Kinh thực hiện năm 2014 thấy rằng hầu hết các trường hợp học sinh tự tử do áp lực từ thi cử, kiểm tra. Do đó, sáng kiến “ngân hàng điểm” thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng dù ý kiến trái chiều.
Trong khi một số người tin rằng đó là động thái tốt, những người khác lo việc đó vô tình gửi thông điệp sai lầm cho học sinh. “Học sinh sẽ không còn nghiêm túc thi cử vì nếu làm bài không tốt, có thể làm lại lần nữa. Mà đời có cho ta cơ hội thứ 2 bao giờ” - một cư dân mạng Weibo bình luận.
Tin tức Bắc Kinh dẫn lời một chuyên gia giáo dục nói rằng sáng kiến này là “con dao hai lưỡi”; học sinh ít coi trọng bài kiểm tra và dần thành quán tính.
Bình luận (0)