Hôm 10-4 trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh nhóm 6 máy bay vận tải Y-20 của Trung Quốc nối đuôi nhau bay qua không phận hai thành viên NATO (Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria) trước khi hạ cánh xuống sân bay tại thủ đô Belgrade của Serbia.
Giải thích về điều này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 11-4 cho biết các vận tải cơ của họ chỉ đang vận chuyển "nguồn lực quân sự thông thường".
"Trung Quốc đã huy động vận tải cơ để chuyển các nguồn lực quân sự thông thường trong những ngày qua nhằm thực hiện kế hoạch hợp tác song phương. Động thái này không nhằm vào bên thứ ba và không liên quan đến các diễn biến hiện nay" - ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh trong buổi họp báo tại Bắc Kinh.
Vận tải cơ Y-20 Trung Quốc bay qua hai nước thành viên NATO tới Serbia hôm 9-4. Ảnh: AP
Trước đó, tờ Thời báo Hoàn cầu (thuộc Nhân dân Nhật báo) - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - cho biết các vận tải cơ Y-20 đang chuyển những hệ thống FK-3 đến Serbia. Về điều này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc không xác nhận cũng không phủ nhận.
Được biết, FK-3 là phiên bản xuất khẩu của hệ thống phòng không tầm xa HQ-22 do Trung Quốc sản xuất. Mỗi tổ hợp gồm ba xe phóng, một đài radar, một đài chỉ huy và nhiều phương tiện hỗ trợ kỹ thuật.
Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho biết Serbia đã đặt mua 3 hệ thống FK-3 và cần khoảng 12 vận tải cơ chiến lược Y-20 để chuyển giao toàn bộ khí tài.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tuần trước thông báo sẽ giới thiệu "niềm tự hào mới nhất" của quân đội vào ngày 12 hoặc 13-4. Ông cho biết Trung Quốc và Serbia thống nhất về thương vụ tên lửa phòng không FK-3 từ năm 2019. Tuy nhiên, hiện tại Tổng thống Aleksandar Vucic không xác nhận liệu các tổ hợp này đã được chuyển giao tới Serbia hay chưa.
Hệ thống HQ-22 nguyên bản được giới thiệu có thể tiêu diệt mục tiêu từ khoảng cách 170 km và độ cao tối đa 27 km. Hệ thống này được so sánh với Patriot của Mỹ và S-300 của Nga.
Năm 2020, giới chức Mỹ từng cảnh báo Serbia về thương vụ tên lửa phòng không FK-3 của Trung Quốc, yêu cầu nước này điều chỉnh thiết bị quân sự theo chuẩn phương Tây nếu muốn gia nhập EU hoặc NATO.
Serbia sẽ trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên vận hành tên lửa phòng không FK-3 của Trung Quốc, theo SCMP.
Bình luận (0)