Ông Carter khẳng định Mỹ đang cố gắng duy trì cấu trúc an ninh chung tại khu vực, vốn góp phần mang lại “thịnh vượng cho tất cả” trong 70 năm qua. Song song đó, ông chủ Lầu Năm Góc bác bỏ ý kiến 7 đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép sẽ cho phép Bắc Kinh tuyên bố vùng lãnh hải 12 hải lý.
Cùng ngày, báo The Wall Street Journal đưa tin những hình ảnh do thám của Mỹ cho thấy Trung Quốc đã đưa 2 hệ thống pháo tự hành lên một trong số đảo nhân tạo nói trên. Tuy Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 29-5 nói không biết gì về số vũ khí trên nhưng theo giới chức Mỹ, điều này càng khiến người ta tin rằng Bắc Kinh xây đảo để phục vụ mục đích quân sự. Dù các hệ thống vũ khí này không đe dọa tàu hoặc máy bay Mỹ nhưng Washington tin rằng nó có thể bắn sang các đảo kế cận. Hơn nữa, sự hiện diện của chúng đi ngược tuyên bố của Bắc Kinh, theo đó hoạt động cải tạo đất hoàn toàn vì mục đích dân sự.
Sau Mỹ, đến lượt Úc và Nhật Bản đang xem xét hành động cứng rắn hơn để phản đối động thái áp đặt tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông. Theo nhật báo Financial Review ngày 29-5, chính phủ Úc đang lên kế hoạch điều máy bay trinh sát và tàu chiến để tuần tra đột xuất biển Đông - nằm trong kế hoạch phản bác yêu sách lãnh thổ hiếu chiến của Trung Quốc. Một số nguồn tin cho biết Thủ tướng Úc Tony Abbott đang xem xét các lựa chọn do cơ quan an ninh, tình báo và quốc phòng đề xuất.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không loại trừ khả năng xem biển Đông là khu vực tiềm năng để quân đội hỗ trợ hậu cần cho binh lính Mỹ và các nước theo khuôn khổ pháp lý mới. Ông Abe không cho biết liệu có đưa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) tới biển Đông bằng việc áp dụng luật mới hay không (nếu luật này được thông qua). Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này nhấn mạnh bất cứ khu vực nào cũng có thể được cân nhắc nếu an ninh và hòa bình của Tokyo “bị ảnh hưởng đáng kể”. Sau cuộc gặp hôm 29-5, các lãnh đạo châu Âu và Thủ tướng Abe đã bày tỏ lo ngại việc Bắc Kinh ngày càng lấn tới trong các tuyên bố chủ quyền phi lý trên biển Đông.
Bình luận (0)