Hoạt động can thiệp quân sự của Nga tại Syria có thêm các nước tham gia gồm Trung Quốc, Iran, Iraq, Syria. Các máy bay J-15 sẽ cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh CV-16, chiến hạm này đã đến bờ biển Syria từ hôm 26-9.
Đây sẽ là một sự kiện mang tính bước ngoặt đối với Trung Quốc, hoạt động quân sự đầu tiên của nước này tại Trung Đông cũng như thử nghiệm hoạt động đầu tiên của tàu sân bay trong điều kiện chiến đấu thực sự.
Trong khi đó, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho hay ông hoan nghênh việc triển khai các binh sỹ Nga tại nước này để chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Bên cạnh đó, Iraq và Nga cũng đã hoàn tất một thỏa thuận cho phép Nga sử dụng căn cứ không quân Al-Taqaddum tại Habbaniyah, cách Baghdad 74km về phía Tây, làm trạm dừng cho hành lang trên không của Moscow tới Syria cũng như tạo điều kiện để không kích các lực lượng IS tại miền Bắc Iraq và Syria.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 4-10 cho biết các máy bay của nước này đã xuất kích 20 lần và tấn công 10 mục tiêu của IS trong vòng 24 giờ qua. Các cuộc không kích đã bắn trúng một trại huấn luyện khủng bố, trong đó có một nhà máy chế tạo dây đai để đánh bom liều chết.
Theo hãng tin AP, Tổng thống Syria Bashar Assad tin rằng chiến dịch không kích của Nga chống khủng bố ở nước này có khả năng thành công. Ông Assad nói sự thành công nêu trên đóng vai trò sống còn trong việc cứu Trung Đông khỏi sụp đổ. Theo ông, chiến dịch không kích 1 năm qua của liên minh phương Tây và Ả Rập đã phản tác dụng, mở đường cho chủ nghĩa khủng bố bành trướng.
Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhận định hành động quân sự là cần thiết tại Syria cùng với những nỗ lực ngoại giao của Nga và các nước khác.
Trái lại, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chỉ trích hoạt động không kích của Nga tại Syria là "không thể chấp nhận được", đồng thời cảnh báo Moscow có thể bị cô lập trong khu vực.
Từ lâu, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã bất đồng về cuộc khủng hoảng Syria. Ankara và các đồng minh phương Tây cáo buộc các cuộc không kích của Nga đã bắn trúng các nhóm ôn hòa chiến đấu chống chính quyền Assad.
Theo Reuters, ngày 4-10, Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định việc Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định hành động quân sự tại Syria là một "sai lầm khủng khiếp."
Bình luận (0)