Nhà lãnh đạo Triều Tiên nhấn mạnh ông hy vọng các bên liên quan sẽ xem xét "các mối quan tâm hợp lý" của Triều Tiên một cách nghiêm túc và có phản ứng tích cực với chúng để thúc đẩy giải pháp toàn diện cho vấn đề bán đảo Triều Tiên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại lễ đón ở Đại lễ Đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Ảnh: THX
Ông đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh 2 ngày vừa qua và 2 vị đã lặp lại sự ủng hộ của mình đối với phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Cũng theo Tân Hoa Xã, Chủ tịch Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh ủng hộ Hội nghị Thượng đỉnh thứ hai của nhà lãnh đạo Triều Tiên với Tổng thống Trump, đồng thời bày tỏ hy vọng họ sẽ "thỏa hiệp với nhau". Thêm vào đó, Chủ tịch Tập nhấn mạnh Trung Quốc sẵn sàng đóng một "vai trò tích cực và mang tính xây dựng" để duy trì hòa bình và ổn định cũng như đạt được phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã lặp lại sự ủng hộ của mình đối với phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ảnh: THX
Trước đó, hôm 6-1, ông Trump cho biết Mỹ và Triều Tiên đang thương lượng về địa điểm sẽ diễn ra cuộc gặp của 2 nhà lãnh đạo.
"Việc giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên về mặt chính trị đối mặt với cơ hội lịch sử hiếm có" - Chủ tịch Tập thừa nhận khi ông Kim đến Bắc Kinh.
Cuộc bàn thảo giữa Mỹ và Triều Tiên về kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng đã bị ngưng trệ kể từ Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên của 2 ông Trump và Kim diễn ra ở Singapore hồi tháng 6-2018, nơi 2 vị đã đưa ra tuyên bố mập mờ về phi hạt nhân hóa.
Mỹ khăng khăng rằng lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc vẫn còn hiệu lực cho đến khi Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân trong khi Bình Nhưỡng muốn các biện pháp trừng phạt này giảm nhẹ ngay lập tức. Còn Trung Quốc cũng muốn lệnh trừng phạt được nới lỏng.
Trong khi đó, truyền thông nhà nước Triều Tiên về cuộc gặp giữa 2 ông Kim và Tập có khác chút ít so với Tân Hoa Xã.
Theo hãng tin KCNA, ông Kim đã "nêu lên mối quan ngại về thế bế tắc trong tiến trình cải thiện mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên và trong cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa". Ông khẳng định lập trường cơ bản của Bình Nhưỡng theo đuổi một giải pháp hòa bình qua đối thoại vẫn không hề thay đổi.
Theo KCNA, Bắc Kinh đã dứt khoát tán thành lập trường của Triều Tiên. Cụ thể: "Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng những vấn đề pháp lý do Triều Tiên nêu ra là những yêu cầu đúng đắn và ông hoàn toàn nhất trí rằng các quyền lợi hợp lý của Triều Tiên cần phải được giải quyết".
Ngoài ra, KCNA cho biết ông Tập đã nhận lời mời đến thăm Triều Tiên "vào thời điểm thuận tiện" và đã "thông tin về các kế hoạch liên quan".
Đó sẽ là chuyến công du đầu tiên đến Bình Nhưỡng của Chủ tịch Tập kể từ khi ông lên nắm quyền hồi năm 2012. Thế nhưng, đây lại không phải lần đầu tiên Bình Nhưỡng cho biết Chủ tịch Tập nhận lời mời như vậy.
Bình Nhưỡng đã từng mời Chủ tịch Trung Quốc đến thăm hồi tháng 3-2018 sau khi ông Kim lần đầu tiên đến Bắc Kinh với tư cách nhà lãnh đạo Triều Tiên. Thế nhưng, Chủ tịch Tập vẫn chưa thực hiện chuyến đi đáp lễ.
Một diễn biến khác liên quan đến Trung Quốc, trong bài phát biểu gần đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi quân đội Trung Quốc "sẵn sàng cho một cuộc chiến đấu toàn diện từ một điểm xuất phát mới".
Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại một cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc ở biển Đông hồi năm 2018. Ảnh: THX
Nhiều người tin chắc tuyên bố trên báo hiệu tình trạng bất ổn chính trị và căng thẳng quân sự ngày càng gia tăng trong khu vực. Thế nhưng, nhà bình luận Brian YS Wong cho rằng cần phải nhìn sự kiện Trung Quốc phô bày chủ nghĩa quân phiệt với một quan điểm thực dụng. Từ đó, hành động như vậy được xem là quan trọng đối với sự ổn định trong khu vực.
Nhìn chung, theo tờ The South China Morning Post (Hồng Kông), sự gia tăng chủ nghĩa quân phiệt Trung Quốc có tác động đến sự ổn định trong khu vực. Trong khi lý lẽ có thể còn khác biệt nhau nhưng vẫn có chỗ để lạc quan về tương lai của chính trường Đông Á.
Bình luận (0)