Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 4-7 xác nhận tàu hải quân nước này bắt giữ 6 ngư dân Việt Nam 1 ngày trước đó.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngang ngược tuyên bố: “Cơ quan chức năng Trung Quốc đang điều tra vụ việc. Một lần nữa, Trung Quốc yêu cầu Việt Nam có những biện pháp cần thiết, siết chặt kỷ cương và tăng cường giáo dục ngư dân nhằm tránh để xảy ra những vụ việc tương tự”. Ông Hồng Lỗi cho rằng các ngư dân bị bắt “vi phạm pháp luật khi đánh bắt trong vùng biển của Trung Quốc, nơi cách đảo Hải Nam của nước này khoảng 7 hải lý về phía Nam”. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg về vụ bắt giữ, GS Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định: “Đó là hành động đơn phương trong khu vực mà Việt Nam có thẩm quyền rõ ràng hoặc đang có tranh chấp”.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc bắt tàu cá và ngư dân Việt Nam kể từ khi nước này hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ông Thayer lo ngại hành động mới nhất này của Bắc Kinh có thể khiến tình hình biển Đông thêm căng thẳng. “Hành động của Bắc Kinh đang đầu độc thêm bầu không khí trong khu vực” - ông chỉ trích.
Chứng kiến Trung Quốc đang có những hành động đơn phương, hung hăng và sai trái để thúc đẩy chủ quyền ở các biển Đông và Hoa Đông, bà Michele Flournoy, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ giai đoạn 2009-2012, kêu gọi Washington cần phải kiểm soát tham vọng bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh. Một mặt, theo bà, Mỹ cần tiếp tục cam kết xây dựng một quan hệ đối tác bền vững với Trung Quốc. Việc từ bỏ nỗ lực này có thể khiến Trung Quốc càng hung hăng, cứng rắn và đi ngược lại những lợi ích kinh tế, an ninh của Mỹ. Tuy nhiên, điều quan trọng không kém là Trung Quốc phải chấm dứt những hành động gây bất ổn của mình. Điều này đòi hỏi Mỹ thực hiện các bước đi thường xuyên và rõ ràng hơn trong việc thực thi luật pháp, gìn giữ trật tự ở châu Á trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Viết trên báo The Washington Post ngày 4-7, bà Flournoy gợi ý Mỹ có thể bắt đầu bằng cách hỗ trợ xây dựng một cấu trúc an ninh khu vực, nâng cao nhận thức trong lĩnh vực hàng hải để ngăn chặn các hành động nguy hiểm, đồng thời hỗ trợ các chính phủ kiểm soát tốt hơn bờ biển của họ. Washington cũng nên giúp các nước nâng cao khả năng phòng thủ trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng gia tăng chi tiêu cho quân sự. Bên cạnh đó, những biện pháp quân sự này cần được bổ sung bằng những nỗ lực ngoại giao để tiến tới xây dựng khung pháp lý nhằm giải quyết các tranh chấp hàng hải. Đặc biệt, Washington sẽ phải theo đuổi những cơ chế quản lý khủng hoảng thay thế nếu Bắc Kinh tiếp tục tìm cách trì hoãn tiến trình đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Một biện pháp nữa mà chính quyền của Tổng thống Barack Obama nên tính đến là gia tăng gây áp lực kinh tế lên doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, chẳng hạn Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC).
Bình luận (0)