Tân Hoa Xã hôm 7-8 dẫn thông tin của Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia (NDRC) cho biết 6 công ty bị phạt là Biostime (Trung Quốc), Mead Johnson và Abbott (Mỹ), Dumex (Pháp), Friesland (Hà Lan), Fonterra (New Zealand). Đây là mức phạt cao kỷ lục đối với hành vi vi phạm luật chống độc quyền ở Trung Quốc. Trong số này, Mead Johnson bị phạt cao nhất (204 triệu nhân dân tệ) do “không tích cực hợp tác với cơ quan điều tra”. Có 3 công ty không bị phạt lần này là Wyeth, Beingmate và Meiji do họ hợp tác điều tra, cung cấp bằng chứng quan trọng và tích cực sửa chữa sai phạm.
Kết quả cuộc điều tra được tiến hành từ tháng 3-2013 cho thấy 9 công ty nói trên đã bắt tay nhau trong việc ấn định giá bán lẻ tối thiểu cho các nhà phân phối và phạt những nhà phân phối nào bán sản phẩm thấp hơn giá tối thiểu này. Theo NDRC, hành vi trên đã “treo” giá sữa bột trẻ em ở mức cao, hạn chế sự cạnh tranh trong thị trường và làm tổn hại đến lợi ích người tiêu dùng.
Thông tin trên được đưa ra một ngày sau khi nhà chức trách Trung Quốc ra lệnh cho Công ty Abbott thu hồi một số sản phẩm sữa bột trẻ em có liên quan đến vụ nhiễm khuẩn của Fonterra tại thị trường nước này. Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm tra và kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) cho biết 2 lô hàng sữa bột trẻ em của Abbott có nguy cơ nhiễm khuẩn Clostridium Botulinum (loại vi khuẩn gây bệnh độc thịt) nên cần được thu hồi.
Trong nỗ lực trấn an người tiêu dùng, Giám đốc điều hành Fonterra, ông Theo Spierings, hôm 7-8 cho biết mọi sản phẩm nhiễm khuẩn do công ty này sản xuất và xuất khẩu đã được đưa ra khỏi thị trường, qua đó giảm thiểu rủi ro với người tiêu dùng. Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính New Zealand Bill English nhận định rằng sự cố sữa nhiễm khuẩn dường như chưa tác động nhiều đến nền kinh tế. Tuy nhiên, theo ông, quá trình xử lý vụ việc phải hiệu quả, minh bạch nếu nước này và Fonterra muốn khống chế thiệt hại ở mức thấp nhất. Bộ trưởng Thương mại New Zealand Tim Groser cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng toàn cầu.
Bình luận (0)