Reuters cho biết mặc dù số ca mắc Covid-19 mới hôm 17-1 ít hơn con số 130 ca cách đây 1 ngày nhưng trong tuần qua, số ca mắc Covid-19 hằng ngày của Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất kể từ 10 tháng trở lại đây.
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), 96/109 ca hôm 17-1 là ở địa phương, bao gồm 72 ca ở Hà Bắc, 12 ca ở tỉnh Hắc Long Giang, 10 ca ở tỉnh Cát Lâm và 2 ca ở Bắc Kinh.
Số ca mới không thể hiện triệu chứng cũng tăng từ 79 ca hôm 15-1 lên 119 ca hôm 16-1. Giám đốc NHC Mã Hiểu Vĩ cho biết dịch Covid-19 bùng phát ở khu vực Đông Bắc là do du khách nhập cảnh nước này hoặc thực phẩm đông lạnh nhập khẩu bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Trung Quốc là nước duy nhất tuyên bố virus SARS-CoV-2 có thể lây lan qua thực phẩm đông lạnh.
Bắc Kinh lo ngại về một làn sóng những ca mắc Covid-19 tiềm ẩn trước thềm Tết Nguyên đán. Ảnh: Reuters
Đặc biệt, một người đàn ông họ Lâm, 45 tuổi, được xác định là ca “siêu lây nhiễm” ở tỉnh Cát Lâm hôm 17-1, sau khi tham gia một buổi tiếp thị sản phẩm y tế làm hơn 100 người mắc bệnh.
Người này đến từ tỉnh Hắc Long Giang lân cận, đã bắt xe lửa và xe buýt ở 3 thành phố thuộc tỉnh Cát Lâm. Ông Lâm có 4 buổi thuyết trình tại 2 CLB sức khỏe ở TP Công Chúa Lĩnh và Thông Hóa từ ngày 8 đến ngày 11-1, khiến tổng cộng 102 người bị lây nhiễm Covid-19 trực tiếp và gián tiếp, bao gồm 79 người tham dự các buổi thuyết trình và 23 người thân hoặc tiếp xúc với họ.
Phó Giám đốc Ủy ban Y tế tỉnh Cát Lâm Trương Yên cho biết những người mắc bệnh chủ yếu trong độ tuổi trung niên và cao tuổi, trung bình là 63 tuổi và người già nhất là 87 tuổi.
Những số liệu trên khiến Bắc Kinh lo ngại về một làn sóng những ca mắc Covid-19 tiềm ẩn trước thềm Tết Nguyên đán. Tân Hoa Xã đưa tin thủ đô của Trung Quốc sẽ yêu cầu du khách nước ngoài theo dõi sức khỏe thêm 7 ngày sau 21 ngày theo dõi y tế.
Tổng số ca mắc Covid-19 được xác nhận ở Trung Quốc hiện là 88.227, trong khi số người chết là 4.635, theo Reuters.
Úc đang tìm kiếm thêm thông tin về loại vắc-xin Covid-19 do 2 công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) hợp tác sản xuất. Ảnh: AP
Trong khi đó, nhà chức trách Úc đang tìm kiếm thêm thông tin về loại vắc-xin Covid-19 do 2 công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) hợp tác sản xuất sau cảnh báo của các quan chức Na Uy. Cơ quan Dược phẩm Na Uy (NMA) tuần trước thông báo 29 người đã gặp phải các phản ứng phụ do tiêm vắc-xin của Pfizer/BioNTech khiến 13 người tử vong.
Úc đã đặt mua 10 triệu liều vắc-xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech. Bộ trưởng Y tế Liên bang Úc Greg Hunt nói rằng ông đã liên hệ với cơ quan quản lý y tế của Úc để yêu cầu họ tìm kiếm thêm thông tin.
Vắc-xin của Pfizer/BioNTech dự kiến được phê duyệt trước khi có vắc-xin của Công ty AstraZeneca/Trường ĐH Oxford. Hơn 30.000 người ở Na Uy đã được tiêm mũi vắc-xin Pfizer/BioNTech hoặc vắc-xin của Công ty Moderna đầu tiên kể từ cuối tháng 12 năm ngoái.
Bình luận (0)