Vũ khí siêu thanh có thể đạt vận tốc gấp 10 lần vận tốc âm thanh và rất khó bị bắn hạ bởi hệ thống phòng chống tên lửa hiện tại.
Nếu Bắc Kinh phát triển thành công vũ khí siêu thanh, hệ thống phòng chống tên lửa hiện tại của Nhật Bản và Đài Loan, gọi là Patriot Advanced Capability-3 (PAC3), nhiều khả năng sẽ bị vô hiệu hóa.
Bên cạnh quân đội, Bắc Kinh còn phát triển vũ khí siêu thanh thông qua “Dự án 089” của một công ty nhà nước. “Dự án 089” được cho là để phát triển vũ khí siêu thanh tầm xa nhằm chọc thủng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Mỹ.
Truyền thông Mỹ khẳng định Trung Quốc đã 7 lần thử nghiệm tên lửa siêu thanh trong những năm gần đây và 6 lần thành công. Bắc Kinh đã xác nhận những vụ thử nghiệm nói trên.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc phát triển chương trình vũ khí siêu thanh tầm ngắn nhắm vào các mục tiêu ở Đông Á chỉ mới được phát hiện gần đây.
Quyết định triển khai hệ thống THAAD của Hàn Quốc bị Trung Quốc phản đối. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, để đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên, chính phủ Hàn Quốc hồi năm 2016 đồng ý triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ mình.
Hệ thống THAAD sẽ được triển khai tại một địa điểm thuộc khu vực Seongju, phía Đông Nam Seoul. Khu vực này là một phần sân golf thuộc sở hữu của tập đoàn Lotte. Phía Lotte đầu tuần này đã thông qua thỏa thuận này với chính phủ.
Ngay sau đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc phản đối quyết liệt hành động nói trên, đồng thời đe dọa tẩy chay hàng hóa, sản phẩm văn hóa và giải trí đến từ Hàn Quốc.
Tân Hoa Xã tuyên bố: “Trung Quốc không hoan nghênh hành động như vậy của Lotte”.
Truyền thông Trung Quốc cùng ngày cũng cho rằng nên xem xét cắt quan hệ ngoại giao nếu Hàn Quốc triển khai THAAD.
THAAD có hệ thống radar có khả năng thâm nhập vào lãnh thổ Trung Quốc. Vì thế, không có gì lạ khi Bắc Kinh khẳng định THAAD là một mối đe dọa an ninh của nước này.
Bình luận (0)