Quan hệ Mỹ - Trung có thể rẽ sang hướng đi nhiều chông gai hơn sau khi ông chủ sắp tới của Nhà Trắng chọc giận Bắc Kinh 2 lần trong vòng 72 giờ.
Lời lẽ cứng rắn
Đầu tiên là chuyện tỉ phú Donald Trump đồng ý nhận cuộc gọi chúc mừng ông đắc cử từ nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hôm 2-12, một động thái không chỉ đi ngược lại chính sách ngoại giao của Mỹ trong gần 40 năm qua mà còn dẫn đến công hàm phản đối của Trung Quốc. Đến ngày 4-12, ông Trump đưa ra một loạt cáo buộc nhằm vào Bắc Kinh trên mạng xã hội Twitter, như thao túng tiền tệ, đánh thuế không công bằng các sản phẩm nhập khẩu của Mỹ và quân sự hóa biển Đông. Trang tin Bloomberg cho rằng thông qua những thông điệp này, ông Trump dường như có ý nói sẽ không để Trung Quốc “giật dây” về việc nên hoặc không nên nói chuyện với ai.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump công kích Trung Quốc. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người ngạc nhiên lần này là ngôn ngữ đầy khiêu khích được sử dụng, cứ như thể ông muốn mối quan hệ Mỹ - Trung dưới thời mình có “sự khởi đầu càng tệ càng tốt”, theo lời ông Ian Bremner, Chủ tịch Công ty Tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ).
Giới chuyên gia có những đánh giá khác nhau về cuộc điện đàm giữa ông Trump và bà Thái: Một sự thay đổi có tính toán trong chính sách đối ngoại, trò chơi địa chính trị hoặc đơn thuần chỉ là sai sót của một người chưa có nhiều kinh nghiệm làm chính trị (ông Trump).
Trong đội ngũ cố vấn của ông Trump có những người công khai chỉ trích Trung Quốc lâu nay, như chuyên gia về chính sách quốc phòng Mikke Pillsbury và học giả Peter Navarro. Vì thế, nhà nghiên cứu Ashley Townshend của Trường ĐH Sydney (Úc) cho rằng cuộc điện đàm là dấu hiệu về một sự thay đổi chính sách có thể xảy ra trong nay mai. Trong khi đó, ông Eduardo Araral, phó giáo sư tại Trường ĐH Quốc gia Singapore, nhận định ông Trump muốn phát đi tín hiệu đến Trung Quốc rằng mình sẽ không nhân nhượng trong mối quan hệ song phương này, nhất là đối với vấn đề thương mại, sau khi nhậm chức.
Ngược lại, một số nhà phân tích cho rằng ông Trump chỉ đơn thuần nhận cuộc gọi theo lời khuyên của nhóm cố vấn mà không hiểu rõ những tác động ngoại giao tiềm tàng. Giới truyền thông Trung Quốc cũng cho rằng chính “sự thiếu kinh nghiệm” của ông Trump đã dẫn đến quyết định nhận cuộc gọi tranh cãi nói trên.
Trung Quốc “kiềm chế”
Giờ đây, dư luận đang chờ xem Bắc Kinh sẽ phản ứng ra sao trước những lời lẽ khiêu khích mới nhất của ông Trump. Chuyên gia Araral cho rằng giới chức nước này có thể phớt lờ, phản ứng chừng mực, đề nghị nói chuyện cho rõ hoặc chơi trò ăn miếng trả miếng. Ông Thời Ân Hoằng, chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Trường ĐH Nhân dân, nhận định Trung Quốc vẫn đang chờ xem tỉ phú Trump sẽ làm gì sau khi nhậm chức vào tháng 1-2017. Theo ông, phản ứng của Bắc Kinh đối với cuộc gọi là “khá kiềm chế” nhưng điều này sẽ thay đổi nếu ông Trump tiếp tục làm thế sau khi vào Nhà Trắng. “Trung Quốc sẽ phản ứng mạnh nếu nhìn nhận ông Trump muốn thách thức nguyên tắc “Một Trung Quốc” sau khi nắm quyền” - chuyên gia này cảnh báo.
Tuy nhiên, theo tờ The Guardian, giới học giả Trung Quốc tỏ ra không kiên nhẫn như thế. “Nếu ông ấy (Trump) tiếp tục gọi Đài Loan là một quốc gia, chúng ta nên cắt đứt quan hệ với ông ta. Tôi không biết chính phủ sẽ làm gì nhưng tôi biết mình sẽ làm gì: Đóng cửa đại sứ quán mình” - GS Thẩm Đinh Lập, Trường ĐH Phục Đán, tuyên bố.
Điều đáng lo là, theo ông Townshend, ông Trump sẽ tiếp tục có những lời lẽ cứng rắn nhằm vào Trung Quốc thời gian tới, dù vẫn còn quá sớm để biết chúng xuất phát từ sự thay đổi chính sách hoặc chỉ là đòn bẩy cho một thỏa thuận nào đó. Phó giáo sư Araral cảnh báo nếu ông Trump không thể tạo ra hàng triệu công ăn việc làm như đã hứa khi tranh cử, ông có thể leo thang lời đe dọa đánh thuế 45% lên hàng hóa Trung Quốc, đe dọa dẫn đến cuộc chiến thương mại lớn giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới này.
Bản thân ông Thời cũng thừa nhận nguy cơ quan hệ Trung - Mỹ thêm rạn nứt đã gia tăng sau những động thái, lời lẽ mới nhất của ông Trump. “Những lời lẽ (trên Twitter của ông Trump) này là lời nhắc nhở dành cho giới truyền thông, học giả nghiên cứu quốc tế và thậm chí là nhiều quan chức ở Trung Quốc rằng những dự đoán trước đó của họ về chính sách của ông Trump là quá lạc quan. Chính phủ Trung Quốc, giống như hầu hết các chính phủ trên thế giới, không biết ông Trump là người thế nào cũng như sẽ ban hành những chính sách gì. Dù vậy, những gì xảy ra trong tuần rồi chắc chắn sẽ chỉ khiến họ thêm lo lắng” - ông Thời đánh giá.
Gia tăng sức mạnh quân đội
Trung Quốc sẽ thúc đẩy tinh giản cơ cấu quân đội để tăng cường sức chiến đấu. Đây là tuyên bố được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra tại một cuộc họp về cải cách quân đội kéo dài 2 ngày tại thủ đô Bắc Kinh cuối tuần trước. Ông Tập nhấn mạnh quân đội Trung Quốc cần nhỏ gọn nhưng mạnh hơn. Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập cho rằng quân đội không nên quá chú trọng đến số lượng mà cần tập trung nhiều hơn vào việc nâng cao chất lượng để xây dựng một lực lượng vũ trang hiện đại có khả năng chiến đấu hiệu quả.
Hồi tháng 9-2015, ông Tập thông báo giảm quân số của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) từ 2,3 triệu xuống còn 2 triệu. Ngoài ra, 7 đại quân khu được tái cơ cấu thành 5 chiến khu. Nói về kế hoạch cải cách quân đội, nhà bình luận quân sự Nghê Nhạc Hùng ở TP Thượng Hải đánh giá sẽ mất một thời gian để kế hoạch đem lại kết quả.
Trong khi đó, theo tiết lộ của cựu Thị trưởng TP New York Rudy Giuliani hồi tháng 11, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ ưu tiên xây dựng một lực lượng quân sự mạnh mẽ để đối phó tham vọng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Một kế hoạch gây chú ý của ông Trump là tăng số lượng tàu của hải quân từ 290 chiếc hiện nay lên 350 chiếc. Phát biểu tại Diễn đàn Quốc phòng Reagan thường niên ở bang California hôm 4-12, Tư lệnh Hải quân Mỹ John Richardson khẳng định ngành công nghiệp vũ khí Mỹ sẵn sàng và có khả năng tăng công suất đóng tàu chiến mới nếu ông Trump giữ cam kết nói trên.
Tuy nhiên, các nghị sĩ và giới chức quốc phòng Mỹ nhắc nhở rằng một bước đi như thế đòi hỏi sự gia tăng mạnh mẽ về chi phí cho nhân viên, công tác huấn luyện, bảo dưỡng và cơ sở hạ tầng. Đây không phải là bài toán dễ có lời giải trong bối cảnh Mỹ đang thắt chặt chi tiêu quốc phòng.
Huệ Bình
Bình luận (0)