Đó là phản hồi của các quan chức và nhà phân tích quốc phòng Trung Quốc hôm 3-6 đối với lời kêu gọi đối thoại càng sớm càng tốt của Mỹ.
Trước đó, cùng ngày, tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho rằng đối với những lãnh đạo quốc phòng có trách nhiệm, thời điểm thích hợp để nói chuyện là bất cứ lúc nào trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai cường quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc tại lễ khai mạc Đối thoại Shangri-la ngày 2-6. ẢNH: EPA-EFE
Ông Austin cho rằng đối thoại không phải là phần thưởng mà là một điều cần thiết.
Phản ứng của ông ngầm đáp lại những lời kêu gọi trước đó của Bắc Kinh về việc dỡ bỏ biện pháp trừng phạt đối với ông Lý Thượng Phúc - được áp đặt vào năm 2018, trong đó liên quan đến việc Trung Quốc mua vũ khí của Nga - như điều kiện tiên quyết cho cuộc đối thoại.
Tuy nhiên, ông Zhou Bo, thành viên cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và An ninh quốc tế của Trường ĐH Thanh Hoa, nói với báo The Straits Times rằng không thể tưởng tượng được việc ông Lý gặp ông Austin khi lệnh trừng phạt vẫn còn hiệu lực. Ông nói thêm rằng việc Mỹ từ chối dỡ bỏ lệnh trừng phạt sẽ có hậu quả rất lớn.
Đại tá cấp cao của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã về hưu này nhấn mạnh: "Hãy nghĩ xem, trong 5 năm tới - nhiệm kỳ của bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc là 5 năm - sẽ không có cuộc gặp nào. Mỹ có thể chịu đựng được không?".
Trung tướng He Lei, thành viên của phái đoàn Trung Quốc chính thức tại Đối thoại Shangri-La, nói rằng: "Mỹ liên tục thách thức lập trường của Trung Quốc và làm suy yếu lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Trong bối cảnh này, các điều kiện chưa chín muồi để hai bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Trung Quốc gặp nhau tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 20".
Trong khi đó, phản ứng sau bài phát biểu của người đồng cấp Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cáo buộc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã "bóp méo nghiêm trọng thực tế và sự thật" về tình trạng của Đài Loan (Trung Quốc).
Theo ông Lý, bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã "phớt lờ" nguyên tắc "Một Trung Quốc" của Bắc Kinh, thông qua việc "tăng cường trao đổi giữa các quan chức Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc), dung túng cho các hoạt động ly khai của Đài Loan (Trung Quốc) và bán ngày càng nhiều vũ khí tân tiến hơn cho hòn đảo này".
Ông cũng lên án việc Mỹ thường xuyên đi qua eo biển Đài Loan để phô trương sức mạnh và lôi kéo các nước khác can thiệp vào vấn đề hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố là thuộc lãnh thổ của mình.
Bộ trưởng quốc phòng của hai nước trước đó đã gặp mặt tối 2-6 (giờ địa phương) tại bữa tối khai mạc hội nghị thượng đỉnh. Cả hai ngồi cùng bàn nhưng không có kế hoạch gặp song phương.
Bình luận (0)