Hơn 100.000 tấn cánh gà, thịt bò và thịt heo đông lạnh trị giá lên đến 3 tỉ nhân dân tệ (khoảng 483 triệu USD) đã bị thu giữ trong chiến dịch được tiến hành trong tháng 6, truy quét khắp 14 tỉnh thành Trung Quốc. Nhà chức trách cho biết đã có 14 băng nhóm buôn thịt bẩn bị bắt giữ.
Đáng chú ý là giới chức hải quan tỉnh Hồ Nam đã thu giữ 800 tấn thịt bẩn (trị giá 10 triệu nhân dân tệ) tại một khu chợ ở TP Trường Sa hôm 1-6, bắt 2 băng nhóm với khoảng 20 thành viên chuyên buôn lậu thịt đông lạnh. Đây là trường hợp buôn lậu thịt bẩn lớn nhất từ trước đến nay ở Hồ Nam. “Thịt bốc mùi hôi thối kinh khủng. Chúng khiến tôi suýt nôn mửa khi mở cửa nơi giữ hàng” - ông Trương Đào, quan chức hải quan tỉnh Hồ Nam, nhớ lại.
Trong khi đó, ông Trương Ba, Phó Cục trưởng Cục Chống buôn lậu TP Trường Sa, cho biết những sản phẩm thịt bị thu giữ hầu hết đều quá hạn dùng, không an toàn với người sử dụng. Nếu ăn có thể mắc các bệnh nguy hiểm đe dọa tính mạng như cúm gia cầm, lở mồm long móng. Trung Quốc nhật báo ngày 24-6 cho biết một số sản phẩm có ngày đóng gói từ những năm 70 của thế kỷ trước (tức có tuổi đời trên 40 năm)! Hầu hết đều trong tình trạng chảy nước, có mùi hôi thối.
Nhà chức trách Trung Quốc không cho biết xuất xứ của số thịt đông lạnh nói trên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những kẻ buôn lậu đã mua các loại thịt này với giá rẻ từ nước ngoài, như Brazil và Ấn Độ, sau đó vận chuyển bằng tàu trong các container lạnh đến Hồng Kông. Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, số thịt sau đó được đưa đến Hải Phòng rồi được phân chia thành các lô hàng nhỏ ở Móng Cái trước khi nhập lậu vào Trung Quốc đại lục qua biên giới Việt - Trung. Khi đến TP Trường Sa sau 12 giờ vận chuyển, nhiều container thịt bắt đầu tan băng và thối rữa. Chúng được trữ vào kho lạnh khi tới Trường Sa trước khi được cung cấp cho các đầu mối. Những đầu nậu phân phối thịt đến các TP Quảng Đông, Tứ Xuyên và Trùng Khánh rồi tuồn vào các nhà hàng, siêu thị hoặc bán trực tuyến. Sau thông tin này, Trung tâm An toàn Thực phẩm Hồng Kông (CFS) cho biết chính quyền đặc khu ít khi kiểm tra các lô hàng thực phẩm xuất khẩu hoặc tái xuất. Trong khi đó, Tân Hoa Xã không nói rõ làm thế nào những đầu nậu có được lượng thịt “già đời” hoặc lý do tại sao chúng không được tiêu thụ trên thị trường sau ngần ấy năm.
Ông Trương Ba cho rằng để tiết kiệm chi phí, nhóm buôn lậu vận chuyển thịt đông lạnh bằng xe tải thông thường, chứ không phải xe đông lạnh chuyên dụng. Từ vụ việc này, các chuyên gia kêu gọi thành lập một mạng lưới giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm trên phạm vi toàn quốc và tăng cường kiểm tra biên giới. Trang tin Phụng Hoàng dẫn lời ông Trương nhấn mạnh mạng lưới buôn lậu thịt bẩn phủ trùm cả nước, cuộc chiến đấu rất cần sự phối hợp của các cơ quan chức năng, nhất là tại những tỉnh như Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam.
Bắc Kinh thu hồi sữa không đạt chuẩn
Tổng cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc (CFDA) vừa yêu cầu 3 nhà sản xuất sữa tại tỉnh Thiểm Tây thu hồi sản phẩm sữa bột công thức cho trẻ sơ sinh không đạt tiêu chuẩn, đồng thời hối thúc giới chức địa phương xử lý nghiêm nếu những công ty này vi phạm pháp luật.
Trong thông báo đăng trên trang web ngày 23-6, CFDA nêu rõ họ phát hiện lượng nitrate quá mức cho phép trong 5 lô sữa bột của Công ty Quan sơn Phi hạc Thiểm Tây (Shaanxi Guanshan) trong đợt kiểm tra đầu năm nay. Lượng selenium vượt tiêu chuẩn cũng được tìm thấy trong 2 lô sữa bột khác của Công ty Quan sơn Phi hạc Tây An (Xi’an Guanshan) và Thánh đường Tần Long (Shengtang). Tất cả sản phẩm đều làm từ sữa dê.
Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ CFDA cho biết bản thân nitrate không gây hại nhưng nó có thể trở nên độc hại nếu gặp những loại vi khuẩn đặc biệt. Hiện tại, các nhà quản lý về an toàn thực phẩm vẫn chưa công nhận selenium là chất dinh dưỡng phù hợp để sử dụng trong sữa công thức cho trẻ sơ sinh. Trong một thông báo ngày 19-6 trên trang web của mình, Công ty Quan sơn Thiểm Tây cho biết sẽ thu hồi các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, ngừng sản xuất và xử lý mọi vấn đề liên quan.
Sữa bẩn là chủ đề nhạy cảm ở Trung Quốc sau vụ bê bối sữa chứa chất melamine năm 2008 khiến ít nhất 6 trẻ em tử vong và hàng ngàn người mắc bệnh.
Bình luận (0)