Trung Quốc đang có kế hoạch đưa khoảng 2.000 nhân viên Tổng Công ty Hàng không Antonov (Ukraine, chuyên sản xuất máy bay) và gia đình họ về nước này.
Thay thế Nga
Trong bối cảnh đang cần máy bay vận tải, Bắc Kinh hy vọng sẽ sản xuất hàng loạt máy bay nổi tiếng Mriya (tiếng Ukraine nghĩa là "giấc mơ") và Ruslan đã được Liên Xô chế tạo. Nhiều chuyên gia từng làm việc cho Antonov có thể trở thành lao động nhập cư và sử dụng kỹ năng nghề nghiệp của họ ở Trung Quốc.
Theo giới truyền thông Trung Quốc, các chuyên gia Ukraine sẽ làm việc cho khu phức hợp công nghiệp quân sự tại tỉnh Thiểm Tây. Công việc thiết kế sẽ được tiến hành chung với Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Tây An và Viện Nghiên cứu Khoa học thiết kế máy bay của Trung Quốc. Một trong những mục đích chính của dự án này là tái chế tạo tại Trung Quốc loại máy bay vận tải An-225 Mriya, tổng tải trọng gần 250 tấn.
Bắc Kinh từ lâu đã quan tâm đến máy bay Mriya. Mùa hè 2016, Công ty Antonov và Công ty Công nghiệp không gian Trung Quốc (AICC) đã ký thỏa thuận hiện đại hóa máy bay vận tải. Tháng 8-2016, kênh CCTV đưa tin Bắc Kinh đã thỏa thuận với lãnh đạo Antonov về việc chuyển quyền sở hữu Mriya, bao gồm việc sử dụng các bản vẽ và những tài liệu khác. Ngoài ra, Bắc Kinh còn có kế hoạch tổ chức sản xuất các loại máy bay An-124-100 Ruslan và An-70 trên lãnh thổ mình.
Năm 2006, Nga đã quyết định hợp tác với Ukraine khôi phục việc sản xuất hàng loạt máy bay Ruslan. Thế nhưng, mọi chuyện hóa ra chẳng hề đơn giản và một số quyết định đã bị hủy bỏ. Sau đó, cuộc đối đầu về chính trị giữa Moscow và Kiev - khởi đầu năm 2014 - đã đặt dấu chấm hết cho các kế hoạch chung giữa doanh nghiệp 2 nước.
Theo kênh RT (Nga), các chuyên gia cho biết nếu Bắc Kinh có thể thiết lập việc sản xuất loại máy bay An-124-100, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ lấp đầy khoảng trống của ngành vận tải hàng không hạng nặng hiện nay. PLA đang cần 200 máy bay loại này.
Máy bay vận tải Mriya có thể chở cả xe lửa Ảnh: UKRAINIANCRUSADE
Trả giá đắt?
An-70 là đứa con chung của ngành chế tạo máy bay Nga và Ukraine. Năm 2011, có tin việc sản xuất máy bay này có thể chuyển sang lãnh thổ Nga nhưng phong trào Maidan ở Ukraine đã phá hỏng kế hoạch. Giờ đây, Bắc Kinh đang tích cực khuyến khích việc chuyển giao những công nghệ chiến lược thời Liên Xô được lưu giữ tại các doanh nghiệp quốc phòng Ukraine.
Theo các chuyên gia, chính quyền Trung Quốc đã thỏa thuận với Văn phòng Thiết kế Yuzhmash về việc chuyển tài liệu của phương tiện được Liên Xô sử dụng để đưa các nhà du hành vũ trụ lên mặt trăng. Vấn đề ở đây không phải là chuyện lắp ráp thiết bị theo đơn hàng mà là chuyển giao công nghệ. Trước đây, Bắc Kinh đã nhận được tài liệu kỹ thuật về các động cơ tên lửa Rd-170, Rd-120 và Rd-9 thời Liên Xô.
Tổng Công ty Motor Sich (Ukraine) - chủ yếu cung cấp động cơ sang Nga - đã được tư nhân hóa vào đầu những năm 1990. Thế rồi, quan hệ căng thẳng giữa 2 nước khiến doanh nghiệp này gặp khó. Trong tình thế không lối thoát, lãnh đạo công ty đã buộc phải chấp nhận bất kỳ điều kiện nào do các đối tác nước ngoài đưa ra.
Theo Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Stepan Kubib, Motor Sich dự định xây nhà máy ở Trung Quốc. Đổi lại, Bắc Kinh hứa chi 250 triệu USD cho nỗ lực hiện đại hóa năng lực sản xuất của công ty này. Ngoài ra, ước tính khoảng 3.000 chuyên gia của Motor Sich đã sẵn sàng chuyển đến Trung Quốc.
Thế nhưng, theo kênh RT, người ta không loại trừ trường hợp sau khi Trung Quốc có khả năng tự sản xuất các thành phần cần thiết, các nhà cung cấp Ukraine sẽ mất dần đơn hàng từ Bắc Kinh. Vì thế, chính sách hiện nay của Kiev sẽ chỉ khiến ngành công nghiệp quốc phòng của nước này thêm tổn thất.
"Chuyển đội ngũ chuyên gia ra nước ngoài đồng nghĩa Ukraine thực sự đánh mất ngành công nghiệp hàng không của mình. Ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine cũng không còn nữa" - chuyên gia quân sự Viktor Litovkin nhận định.
Hơn nữa, các chuyên gia đánh giá không dễ để sản xuất hàng loạt máy bay Mriya và Ruslan. "Ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc cần đội ngũ chuyên gia trình độ cao. Ngoài ra, họ còn cần nhiều máy móc, thiết bị và bản vẽ - tất cả điều đó có thể mất nhiều năm trời" - ông Litovkin khẳng định. Theo chuyên gia này, chỉ những chuyên gia tầm cỡ mới hiểu biết cách thức chế tạo trọn vẹn một chiếc máy bay. Vì thế, không thể nói tất cả chuyên gia Ukraine chuyển đến Trung Quốc đều là những người mang theo công nghệ chế tạo máy bay.
Chiến thuật truyền thống
Tổng biên tập tạp chí Nga "Tiềm lực công nghiệp quốc phòng", ông Viktor Nikolayev, nhận định việc tích cực săn tìm công nghệ nước ngoài là chiến thuật truyền thống của Bắc Kinh. Ngoài Antonov, Trung Quốc còn quan tâm đến cả đội ngũ của Motor Sich và Văn phòng Thiết kế Yuzhmash. Khi đang nằm bên bờ vực của sự sống còn, các doanh nghiệp này sẵn sàng hợp tác với nước ngoài với bất cứ điều kiện nào.
Bình luận (0)