Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng hôm 30-5 dẫn các nguồn tin thân cận với PLA cho biết ông Tôn sẽ đưa ra “lời đề nghị thân thiện” với các nước láng giềng châu Á và nhấn mạnh Bắc Kinh sẵn sàng đối thoại để xoa dịu căng thẳng trên biển Đông.
Dù vậy, theo bài báo, ông Tôn vẫn tìm cách biện bạch rằng xây đảo nhân tạo hoặc “bảo vệ vùng biển mở” là “nhu cầu phát triển quốc gia của Trung Quốc”. Nguồn tin nói thêm ông Tôn cũng sẽ cố trấn an khu vực rằng Bắc Kinh cam kết xây dựng “một cộng đồng châu Á có chung vận mệnh”, đồng thời nhắc lại “những đóng góp đối với các vấn đề an ninh phi truyền thống” như gìn giữ hòa bình, sứ mệnh chống cướp biển và diễn tập cứu hộ hàng hải với các nước khác...
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam,
gặp Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, hôm 29-5.
Ảnh: TÂN HOA XÃ
Trước khi Đô đốc Tôn lên tiếng, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 30-5 mở cuộc họp báo tại Bắc Kinh để đưa ra phản ứng chính thức đối với phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại Đối thoại Shangri-La sáng cùng ngày.
Tại họp báo, Chủ nhiệm Văn phòng Ngoại vụ Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Thiếu tướng Hải quân Quan Hữu Phi, cho rằng quan điểm của ông Carter về vấn đề biển Đông không toàn diện, chưa thể hiện tính hợp pháp và tính xây dựng. Theo ông Quan, tự do hàng hải phải có lợi cho phát triển kinh tế chứ không phải để tàu chiến của mình tự do hiện diện ở khắp nơi. Ông này còn ngang ngược cho rằng Trung Quốc đã rất kiềm chế và hy vọng Washington nhìn nhận vấn đề khách quan hơn.
Phản ứng của Trung Quốc ở Shangri-La hiện không đến mức gay gắt như năm ngoái dù có những đánh giá rằng chỉ trích của ông Carter là “không đúng chỗ”. Mềm mỏng hơn đôi chút, thượng tá PLA Du Lâm nói với nhật báo The Wall Street Journal rằng những lập luận trong bài phát biểu của ông Carter “chấp nhận được”. Với bà, Mỹ có thể tiếp tục chỉ trích và giám sát song Washington “sẽ không bao giờ làm thêm gì nữa”.
Trái với những lời biện hộ nói trên, Chủ tịch Hiệp hội Quan hệ quốc tế Đài Loan Dương Vĩnh Minh nhận định ngoài mục đích theo đuổi yêu sách chủ quyền phi pháp, Bắc Kinh còn có tham vọng sử dụng đảo nhân tạo đang xây trái phép ở biển Đông để làm bàn đạp mở rộng ảnh hưởng của hải quân nước này ra tầm thế giới.
Riêng ông Alexander Neill, chuyên gia cao cấp về an ninh châu Á - Thái Bình Dương dự Đối thoại Shangri-La, cho rằng Trung Quốc đã triển khai các nguồn lực đáng kinh ngạc với tốc độ chóng mặt trong việc bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo, từ đó cho thấy hoạt động này có một quy hoạch tổng thể phức tạp, tốn kém và được chuẩn bị từ lâu.
Bình luận (0)