Theo dữ liệu nói trên, sản xuất công nghiệp - chỉ số quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc - chỉ tăng 4,4% trong tháng 8 so với 1 năm trước đó. Hồi tháng 7, hiệu suất của ngành khả quan hơn khi tăng 4,8% nhưng vẫn là mức tăng trưởng yếu nhất trong 17 năm qua.
Đài CNN cho biết sản xuất công nghiệp rất quan trọng vì nó đo lường sản lượng của các doanh nghiệp chủ chốt trong các lĩnh vực sản xuất, khai thác và tiện ích của Trung Quốc. Con số mới nhất cũng tệ hơn mức tăng trưởng 5,2% mà giới phân tích dự đoán với Reuters.
Theo thống kê của CNBS, tăng trưởng doanh số bán lẻ ở Trung Quốc đã chậm lại tới 7,5% trong tháng 8, giảm so với mức tăng 7,6% cùng kỳ năm ngoái.
Cản xuất công nghiệp - chỉ số quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc - chỉ tăng 4,4% trong tháng 8 so với 1 năm trước đó. Ảnh: CNN
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang gặp khó khăn vì cuộc chiến thương mại với Mỹ. Bắc Kinh còn phải đối mặt với những thách thức trong nước khi cố gắng ít dựa vào nợ để thúc đẩy tăng trưởng.
Dữ liệu trên được công bố trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có vẻ được cải thiện chút ít. Vào tuần trước, Bắc Kinh thông báo miễn thuế đậu nành và thịt lợn của Mỹ trước vòng đàm phán thương mại mới.
Tuy nhiên, chiến lược gia Ken Cheung Kin Tai tại Ngân hàng Mizuho (Hồng Kông) nhận định sản xuất công nghiệp tháng 8 của Trung Quốc chỉ dừng ở mức tăng 4,4% đã phản ánh "rủi ro ngày càng lớn đối với nền kinh tế nước này". Trong hoàn cảnh đó, Bắc Kinh phải "xuống giọng" và đề ra các kế hoạch kích thích nền kinh tế trong những tuần gần đây.
Dữ liệu không mấy khả quan của CNBS cũng làm dấy lên suy đoán về cách Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ứng phó với sự tăng trưởng chậm lại. Đầu tháng này, PBOC giảm lượng tiền mặt dự trữ của ngân hàng lần đầu tiên trong 8 tháng. Hồi tháng 8, PBOC cũng công bố tỉ lệ cho vay mới làm chuẩn mực cho các ngân hàng định giá các khoản vay nhằm hỗ trợ tăng trưởng và việc làm.
Trong những tuần gần đây, Bắc Kinh cho phép đẩy đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ. Nhưng theo nhà kinh tế học Martin Lynge Rasmussen đến từ Công ty tư vấn Capital Economics (Anh), tiền tệ yếu hơn không đủ khả năng bù đắp hoàn toàn các vấn đề do thuế quan và nhu cầu toàn cầu trì trệ gây ra.
Bình luận (0)