Ông Ian Storey, thành viên cấp cao và chuyên gia an ninh châu Á tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS ở Singapore, nói với trang Energy Voice rằng mặc dù Trung Quốc muốn mở rộng quan hệ kinh tế với Malaysia và duy trì quan hệ thân thiện nhưng Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục quấy rối các hoạt động khai thác dầu khí trong vùng biển của Malaysia trong nỗ lực buộc Kuala Lumpur ký kết các thỏa thuận phát triển chung,
Tuy nhiên, ông Storey nói thêm Malaysia sẽ không đáp ứng mong muốn của Trung Quốc, ít nhất là trong ngắn hạn.
Ông Ian Storey, thành viên cấp cao và chuyên gia an ninh châu Á tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS ở Singapore (giữa). Ảnh: ISEAS – Yusof Ishak Institute
Chuyên gia Storey cho biết chính sách biển Đông của Malaysia sẽ không thay đổi trong năm 2021. Kể từ đầu những năm 1990, các nhà lãnh đạo của Malaysia đã tuân thủ cùng một chính sách là bảo vệ các lợi ích trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), giám sát hoạt động của hải quân và lực lượng tuần duyên Trung Quốc trong cùng khu vực, đồng thời đảm bảo rằng vấn đề này không trở thành rào cản trong mối quan hệ Malaysia - Trung Quốc thông qua việc theo đuổi chính sách ngoại giao "hậu trường" với Bắc Kinh.
Kể từ năm 2013, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc (CCG) đã duy trì sự hiện diện gần như liên tục tại cụm bãi cạn Luconia ngoài khơi bang Sarawak của Malaysia. Khu vực này có trữ lượng hydrocacbon đáng kể và tấp nập hoạt động đánh bắt, lĩnh vực đặc biệt quan trọng đối với Kuala Lumpur nhờ mang lại nguồn thu dồi dào.
Vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020, CCG tăng cường làm gián đoạn các hoạt động khảo sát và khai thác của Malaysia như quấy rối các giàn khoan, tàu cung cấp các giàn khai thác dầu khí ngoài khơi và tàu khảo sát do Malaysia thuê.
Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) cũng đã báo cáo đại dịch Covid-19 không ảnh hưởng rõ rệt đến sự hiện diện của lực lượng Trung Quốc ở biển Đông, thậm chí Bắc Kinh còn tăng tần suất tuần tra trong đại dịch.
Theo AMTI, các bên tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông phần lớn hạn chế triển khai các tàu thực thi pháp luật hoặc hải quân đối đầu các cuộc tuần tra thường lệ của Trung Quốc. Điều này cho thấy Trung Quốc đang bình thường hóa thành công sự hiện diện của mình trong khu vực.
Trong một ngoại lệ gần đây, Malaysia triển khai tàu tuần tra KD Kelantan đến cụm bãi cạn Luconia vào ngày 29-8 năm ngoài khiến tàu của CCG đóng quân tại khu vực vào thời điểm đó rời đi.
Tuy nhiên, tác động chỉ là tạm thời, theo AMTI, một tàu Trung Quốc khác đã quay trở lại cụm bãi cạn Luconia vào tháng 11 năm ngoái và quấy rối hoạt động khai thác dầu khí trong khu vực.
Ông Hugo Brennan, nhà phân tích châu Á tại công ty tư vấn rủi ro địa chính trị Verisk Maplecroft, nhận định với Energy Voice rằng Trung Quốc có thể sẽ sớm thăm dò sự cứng rắn của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và biển Đông là một trong những phép thử đối với chính quyền Washington.
Bình luận (0)