Báo South China Morning Post (SCMP) ngày 12-6 cho biết hàng rào kim loại cũng được dựng lên trên đường Lung Wo.
Những người biểu tình cắm trại qua đêm tại công viên Tamar. Đến sáng hôm sau, họ chặn các con đường dẫn vào cơ quan lập pháp Hồng Kông để phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi.
Hơn 1.000 người biểu tình đã tập trung gần đường Harcourt. Khoảng 300 người trong số họ chặn tất cả mọi làn đường bằng hàng rào kim loại.
Trước đó, hàng trăm người biểu tình – chủ yếu là thanh niên – đổ tới công viên Tamar, bất chấp lực lượng cảnh sát chống bạo động trang bị khiên, mũ, súng trường và dùi cui đang đứng gần. Những người biểu tình đến từ 5 giờ sáng 12-6 (giờ địa phương). Một nhóm nhỏ hát thánh ca, số còn lại ngồi im lặng.
Hàng ngàn người biểu tình ở Hồng Kông bắt đầu chặn các con đường dẫn vào đại lộ Tim Mei và Tim Wa. Ảnh: SCMP
Một số tình nguyện viên thiết lập các trung tâm sơ cứu, đề phòng trường hợp xảy ra bạo động. Họ cũng phát mặt nạ, áo mưa, đồ ăn nhẹ và nước, đồng thời dọn rác ra khỏi công viên. Một thanh niên vừa tốt nghiệp đại học nói với SCMP: "Tôi đã chuẩn bị cho khả năng đụng độ với cảnh sát nhưng không có ý định kích động bạo lực".
Ít nhất 20 nhà văn, nhà làm phim và học giả văn hóa bắt đầu tuyệt thực vào nửa đêm 11-6.
Khi được hỏi những người biểu tình hy vọng có thể đạt được điều gì, một phụ nữ trả lời: "Kịch bản tốt nhất là các quan chức rút lại dự luật".
Không giống như các cuộc biểu tình trong quá khứ, cuộc biểu tình ở công viên Tamar không do các nhóm dân chủ tổ chức. Thay vào đó, cư dân mạng xã hội kêu gọi mọi người đến công viên Tamar vào ngày 12-6 và sử dụng ứng dụng di động Telegram để phổ biến thông tin.
Người biểu tình chặn đường Lung Wo. Ảnh: SCMP
Hàng rào kim loại được dựng lên trên đường Lung Wo. Ảnh: SCMP
Nghị sĩ Leung Kwan-yuen hôm 10-6 cho biết ông sẽ để mọi người tranh luận về dự luật khoảng 61 giờ, sau đó dự định bỏ phiếu trong ngày 13-6.
Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam tuyên bố dự luật cực kỳ quan trọng trong việc duy trì công lý và đảm bảo Hồng Kông thực thi các nghĩa vụ quốc tế về vấn đề tội phạm xuyên quốc gia.
Nếu được thông qua, dự luật sẽ cho phép Hồng Kông dẫn độ những người phạm tội, bao gồm cư dân Hồng Kông, Trung Quốc và người nước ngoài sang Trung Quốc trong từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, những người biểu tình lo ngại rằng dự luật sẽ khiến đặc khu này chịu ảnh hưởng của luật pháp Trung Quốc.
Ngày 11-6, Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ vì đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm, đồng thời cáo buộc Washington can thiệp vào công việc nội bộ của mình.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết: "Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng các vấn đề Hồng Kông hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, không có quốc gia hay tổ chức nào được quyền can thiệp. Phía Trung Quốc rất không hài lòng và kiên quyết phản đối những nhận xét thiếu trách nhiệm và không đúng của Mỹ về dự luật của Hồng Kông".
Đây được xem là phản ứng khá gay gắt từ phía Trung Quốc sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Washington rất quan tâm đến những thay đổi được đề xuất đối với dự luật dẫn độ nói trên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus lập luận việc hàng trăm ngàn người biểu tình ở Hồng Kông cho thấy sự phản đối của dân chúng đối với các sửa đổi được đề xuất.
Bà Ortagus cũng lo ngại dự luật có thể gây tổn hại đến môi trường kinh doanh của Hồng Kông và khiến công dân Mỹ cư trú hoặc đến Hồng Kông phải phụ thuộc vào hệ thống tư pháp thất thường của Trung Quốc.
Bình luận (0)