“Nếu Bắc Kinh tiếp tục thù địch với những nước nhỏ hơn thì sẽ tự chuốc thêm rắc rối. Cách hành xử hung hăng và ngạo mạn chắc chắn sẽ khiến các nước láng giềng của Trung Quốc có cảm giác bị nước lớn chà đạp. Trung Quốc không muốn Mỹ can thiệp nhưng họ lại đang đẩy các nước nhỏ hơn đến với Mỹ” - ông Chaulia nhận định.
Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), sau khi Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam, phản ứng kiên quyết và những bước đi phù hợp của Hà Nội nhằm tranh thủ tiếng nói ASEAN chính là đòn đáp trả đáng kể mưu toan lũng đoạn sự thống nhất của hiệp hội này từ phía Bắc Kinh.
Trong khi đó, GS Dennis McCornac tại Trường ĐH Loyola (Mỹ) và phóng viên tự do Gwynne Dyer cùng chung nhận định động cơ Trung Quốc leo thang căng thẳng ở biển Đông là để đánh lạc hướng dư luận trong nước khỏi những vấn đề nóng bỏng như kinh tế sụt giảm, ô nhiễm môi trường ngày càng khủng khiếp và đáng lo nhất là nguy cơ khủng bố tràn lan.
Đồng thời, đây cũng có thể là sự ngang ngược của một nước lớn muốn thể hiện sức mạnh. “Trung Quốc không thèm để ý đến khía cạnh pháp lý. Khi bị Philippines kiện ra tòa án quốc tế vào tháng trước, Trung Quốc kiên quyết không chịu ra tòa. (...) Quan điểm của họ dường như là cần gì đến tòa án khi có thể giành lấy lãnh thổ hoặc lãnh hải bằng vũ lực” - ông McCornac viết.
Giữa lúc hành động gây hấn của Trung Quốc tại vùng biển Việt Nam không ngừng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, tờ Thời báo Hoàn Cầu hôm 16-5 lại đổ thêm dầu vào lửa khi kêu gọi nhà cầm quyền nước này “buộc phải chiến tranh với các quốc gia đang khiêu khích ý định hòa bình của Bắc Kinh”.
Tuy nhiên, những lời lẽ dối trá này không thể che đậy việc hành xử sai trái của Trung Quốc. Mới nhất, báo Kommersant (Nga) hôm 16-5 có bài viết “Trung Quốc tự chuốc bão”, trong đó khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động xâm phạm chủ quyền.
Bình luận (0)