Quyết định đưa ra sau một cuộc tranh luận sôi nổi tại hội nghị bộ trưởng lần thứ 8 của Hội đồng Bắc cực tổ chức ở Kiruna - Thụy Điển.
Ngoài 8 thành viên thường trực là Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ, Hội đồng Bắc cực còn có 15 quan sát viên (gồm 6 quốc gia và 9 tổ chức) trước khi kết nạp 6 quan sát viên mới.
Liên minh châu Âu (EU) cũng nộp đơn làm quan sát viên nhưng chưa được thông qua lần này do vướng phải tranh cãi với Canada về buôn bán các sản phẩm liên quan đến hải cẩu.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (thứ 3 từ trái sang) cùng 7 ngoại trưởng của các nước thường trực
Hội đồng Bắc cực. Ảnh: AP
Biến đổi khí hậu khiến băng Bắc cực tan dần, mở ra cơ hội tiếp cận nguồn dầu, khí thiên nhiên và khoáng sản được đánh giá là khổng lồ tại đây, đồng thời cũng giúp rút ngắn các tuyến đường biển và tạo điều kiện cho khai thác thủy sản. Những điều này báo hiệu một cuộc cạnh tranh không khoan nhượng cả về kinh tế và chính trị tại Bắc Cực.
Năm 2010, chỉ có 4 tàu chở 111.000 tấn hàng hóa đi theo tuyến đường qua Bắc cực. Nhưng đến năm ngoái đã có 46 tàu với 1,26 triệu tấn hàng, trong đó có tàu phá băng Tuyết Long của Trung Quốc lần đầu tiên vượt Bắc cực.
Là người dàn xếp cho 6 vị trí quan sát viên mới, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhận định: “Chúng ta quan tâm đến cả những hứa hẹn và thách thức của việc tiếp cận vùng đất xa nhất về phía bắc của trái đất”.
Còn Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt cho rằng 6 thành viên mới sẽ gia tăng sức mạnh cho hội đồng. “Có thêm 6 thành viên mới đồng nghĩa với việc vai trò của Hội đồng Bắc cực được chấp nhận rộng rãi hơn trên thế giới” – ông nói khi được hỏi liệu việc kết nạp mới có làm loãng sức ảnh hưởng của hội đồng hay không.
Cảng Svolvaer ở Bắc cực thuộc lãnh thổ Na Uy. Ảnh: REUTERS
Hội đồng Bắc cực được thành lập năm 1996, ban đầu mang tính biểu tượng nhiều hơn với mục đích nhấn mạnh những hậu quả của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cuộc họp năm nay tại Thụy Điển đã nhìn nhận “vai trò trọng tâm của kinh tế trong phát triển Bắc cực” với sự ra đời của hiệp ước thứ hai về hợp tác ứng phó với các hoạt động thăm dò dầu khí ngày càng tăng.
Hiệp ước đầu tiên được ban hành 2 năm trước ở Greenland, với nội dung hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển Bắc cực.
Lợi ích kinh tế khiến môi trường Bắc cực có thể phải trả giá. Trong khi hội đồng nhóm họp, những người biểu tình tập trung bên ngoài kêu gọi hạn chế phát triển kinh tế ở Bắc cực. Một áp phích viết: “Làm ơn đừng đụng đến dầu ở Bắc cực”.
Khu vực được 8 thành viên thường trực phân chia để chịu trách nhiệm coi sóc,
lâu dần có thể thành phạm vi ảnh hưởng. Nguồn: Wall Street Journal
Bình luận (0)