Nhiều chính quyền, tổ chức tài chính trên thế giới đã dựa vào một loạt lệnh trừng phạt và công cụ pháp lý để phong tỏa tiền bạc và tài sản dính líu đến các nhà độc tài đã bị lật đổ ở Ai Cập, Libya, Tunisia cũng như nhà lãnh đạo Syria Bashar Al-Assad vốn đang phải đương đầu với sức ép từ phe đối lập.
Những đồng tiền vấy máu
Năm 2011, Thụy Sĩ là quốc gia đầu tiên phong tỏa tài sản của Zine El Abidine Ben Ali và Hosni Mubarak sau khi chế độ của họ bị sụp đổ ở Tunisia và Ai Cập. Trước đó, ngay từ những năm 1980, chính phủ Thụy Sĩ đã đóng băng tất cả những gì trở thành tài sản của các nhà độc tài và nỗ lực trả chúng lại cho các quốc gia mà từ đó chúng bị đánh cắp đi. Sau khi nổ ra phong trào Mùa xuân Ả Rập, dư luận mới biết trong mấy thập kỷ gần đây, các nhà độc tài ở Ai Cập, Libya, Tunisia và Syria gửi khoảng 1 tỉ franc Thụy Sĩ ở các ngân hàng Thụy Sĩ. Công chúng thế giới vẫn còn có suy nghĩ tiêu cực về Thụy Sĩ do nhiều kẻ chuyên quyền bạo ngược gửi tiền ở nước này. Do vậy, thay vì được hoan nghênh vì đã đi tiên phong trong việc trừng trị các “bạo chúa”, Thụy Sĩ vẫn bị chỉ trích vì đây là nơi chốn đầu tiên để các nhà độc tài giấu giếm những đồng tiền vấy máu - như nhận định của bà Rebecca Garcia, phát ngôn viên của Hiệp hội Các nhà hoạt động ngân hàng Thụy Sĩ.
Ai cũng biết Thụy Sĩ lâu nay là một trong những địa chỉ ưa thích để các nhà độc tài trên thế giới gửi thác của cải phi nghĩa. Về phần mình, chính phủ nước này muốn tạo điều kiện dễ dàng cho việc đóng băng và hoàn trả khoản tiền bất chính bằng một đạo luật mở đường cho các chuẩn mực mới trên toàn cầu. Báo The Wall Street Journal (Mỹ) cho biết Thụy Sĩ kéo dài việc đóng băng trong vòng 3 năm đối với hơn 3/4 trong số 1 tỉ USD tài sản của 2 nhà độc tài Ben Ali và Hosni Mubarak, kể cả các ngân quỹ ở trong tay 2 nhà lãnh đạo Tunisia và Ai Cập. Tháng 12-2013, nội các Thụy Sĩ cho rằng quyết định trên cung cấp thêm thời gian cho các cuộc điều tra hình sự chống lại 2 ông Hosni Mubarak và Ben Ali để xác định nguồn gốc của các khoản tiền trên. Lệnh phong tỏa tài sản đó còn bao gồm cả các khoản tiền trong tài khoản ở Thụy Sĩ của những kẻ thân cận với 2 nhà độc tài này. Ông Mubarak, đã cai trị Ai Cập trong suốt 30 năm, hiện đang bị quản thúc tại gia và vẫn phải hầu tòa trong khi ông Ben Ali đã chạy trốn sang Ả Rập Saudi sau khi cai trị Tunisia trong 23 năm.
Nhà chức trách Thụy Sĩ tiếp tục làm việc với chính quyền ở Ai Cập và Tunisia trong mấy năm qua và đã đạt được tiến bộ trong việc xác định nguồn gốc số tài sản bị phong tỏa ở Thụy Sĩ. Năm 2012, cảnh sát Tây Ban Nha đã tịch thu được 28 triệu euro tiền mặt do ông Mubarak, gia đình và các thuộc hạ nắm giữ.
Ráo riết săn tìm “kho báu”
Ngay sau khi nổ ra các cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập, nhà chức trách Canada cũng đã kiểm tra gần 4,3 tỉ USD trong các tài khoản đáng ngờ thuộc về các nhà độc tài và giới chức tham nhũng. Theo báo The Canadian Press, lực lượng cảnh sát quốc gia đã làm việc với Bộ Ngoại giao, ngành công an, tình báo và các ngân hàng Canada để xác định danh tính chủ sở hữu và đóng băng những tài sản đó. Một số tài sản không được tiết lộ liên can đến Syria cũng đã bị đóng băng.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Qatar Hasan al-Ghanem cho rằng cần thêm nhiều đòn bẩy quốc tế để có thể tố cáo những khối tài sản khổng lồ tại những quốc gia được mệnh danh là “thiên đường an toàn”. Thế nhưng, hiện vẫn còn một vấn đề làm nản lòng người dân tại các quốc gia nổ ra cuộc nổi dậy - đó là không thể phục hồi những “kho báu” đã được cất giấu của Hosni Mubarak, Zine El Abidine Ben Ali và Muammar Gaddafi. Công chúng tại các nước Ai Cập, Tunisia và Libya hy vọng rằng việc khôi phục trên toàn cầu khối tài sản bị đánh cắp sẽ giúp tạo ra một kỷ nguyên phồn thịnh mới ở khu vực này thông qua việc bơm tiền vào các dự án công - thương.
Theo tạp chí Forbes, gần 300 tỉ USD vẫn còn cất giấu ở các ngân hàng nước ngoài và các thiên đường trốn thuế. Báo The Guardian trích dẫn lời một chuyên gia về Trung Đông cho biết tài sản của gia đình cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak ước tính 70 tỉ USD trong khi tài sản của cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi ước tính 200 tỉ USD. Còn theo đài BBC, cựu tổng thống Tunisia Zine El Abidine Ben Ali chỉ quản lý 10 tỉ USD. Tuy nhiên, không ai biết chính xác tất cả số tiền đó hiện giờ ở đâu. Ba năm sau khi nổ ra cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập, người ta vẫn đang ráo riết săn tìm “kho báu” được cất giấu này. Trong khi đó, các quốc gia Tunisia, Ai Cập và Libya còn đang ngóng chờ điều kỳ diệu từ nguồn tiền trên để vực dậy nền kinh tế.
Báo The Economist thừa nhận số tài sản thuộc về các nhà độc tài bị lật đổ nêu trên đã được xác định và bị đóng băng ở nước ngoài chỉ là một phần “nhỏ nhoi” - hơn 1 tỉ USD. Tuy nhiên, những gì thu lại được còn đáng nực cười hơn: Đó chỉ là một căn nhà ở London trả cho Libya, 28 triệu USD thu hồi từ Lebanon được trả cho Tunisia, còn Ai Cập gần như không được gì. Có nhiều lý do dẫn đến kết quả kém cỏi nêu trên: Có thể do con số ước tính quá cao và không chính xác hoặc do cơ chế xác định tài sản và chủ sở hữu hợp pháp của chúng quá phức tạp. Thậm chí, có người còn biện luận rằng phương Tây đứng đằng sau các quy định của ngân hàng để ngăn chặn việc thu hồi khối tài sản khổng lồ trên.
Tiền của dân
Tổng thống Barack Obama đã lên tiếng tái xác nhận sự ủng hộ của Mỹ đối với các nước tham gia phong trào Mùa xuân Ả Rập trong việc tìm cách khôi phục hàng tỉ USD đã được các quan chức cao cấp của chế độ bị lật đổ gửi ra nước ngoài. Thế nhưng, một cố vấn của Tổng thống Obama lưu ý rằng nhiều trở ngại pháp lý vẫn còn đó khiến việc theo dõi và tìm lại những số tiền “cướp của dân” - được che giấu dưới những cái tên giả và những công ty bù nhìn. Phát biểu tại một hội nghị ở Doha - Qatar bàn về việc khôi phục các ngân quỹ vốn nằm trong tay các nhà cai trị độc tài đã bị lật đổ ở Libya, Tunisia và Ai Cập, Tổng thống Obama tuyên bố: “Số tiền đó không thuộc về những kẻ nắm quyền lực mà chúng thuộc về nhân dân”.
Bình luận (0)