Hãng tin nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã hôm 1-2 cho biết việc quân đội Myanmar thay thế các bộ trưởng được bầu, bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi... là một "cuộc cải tổ nội các lớn" thay vì nói đó là một cuộc đảo chính.
"Quân đội Myanmar đã công bố cuộc cải tổ nội các lớn vài giờ sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp. Theo tuyên bố của quân đội Myanmar, các bộ trưởng liên minh mới được bổ nhiệm cho 11 bộ, trong khi 24 thứ trưởng bị cách chức. Chánh án Liên đoàn và các thẩm phán Tòa án Tối cao của Liên đoàn, các chánh án và thẩm phán của các Tòa án Cấp cao khu vực hoặc bang được phép tại vị..." - Tân Hoa Xã viết.
Quân đội Myanmar tại trạm kiểm soát chặn đường tới Quốc hội ở thủ đô hôm 2-2. Ảnh: AP
Các binh sĩ Myanmar đứng gác trên một con đường ở Naypyitaw. Ảnh: AP
Cũng theo Tân Hoa Xã, quân đội Myanmar xác nhận bắt giữ bà Suu Kyi, Tổng thống U Win Myint, các bộ trưởng khu vực và bang cùng một số thành viên Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia giấu tên cho rằng việc quân đội Myanmar nắm quyền có thể xem là "sự điều chỉnh đối với cơ cấu quyền lực đang rối loạn trong nước".
Myanmar là một phần quan trọng trong sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường khổng lồ của Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến Myanmar vào tháng 1 năm ngoái. Ông cam kết hỗ trợ chính phủ Myanmar phát triển "phù hợp với điều kiện của mình".
Về cuộc đảo chính mới đây, Bắc Kinh kêu gọi tất cả các bên ở Myanmar "giải quyết những khác biệt của họ".
Bà Suu Kyi. Ảnh tư liệu: EPA
Ngày 2-2, Tân Hoa Xã đưa tin quân đội Myanmar đã thả hầu hết quan chức khu vực bị giam giữ, bao gồm các bộ trưởng khu vực và các nghị sĩ Đảng NLD cầm quyền.
Tuy nhiên, theo AP, hàng trăm thành viên Quốc hội Myanmar vẫn đang bị quản thúc tại gia, bị giới hạn trong khu nhà ở của chính phủ và bị lính canh gác bên ngoài. Một trong những nghị sĩ bị giam giữ cho biết ông và khoảng 400 người khác đã trải qua một đêm không ngủ, lo lắng rằng họ có thể bị bắt đi.
Tất cả những người bị giam có thể nói chuyện với nhau bên trong khu nhà và liên lạc với bên ngoài qua điện thoại nhưng không được phép rời khỏi khu nhà ở thủ đô Naypyitaw. Ông nói thêm bà Suu Kyi không bị giam chung với họ.
"Chúng tôi phải tỉnh táo và cảnh giác” - nghị sĩ này nói với AP với điều kiện giấu tên vì lo lắng cho sự an toàn của bản thân.
Trong khi đó, Đảng NLD vừa đưa ra lời kêu gọi quân đội công nhận kết quả bầu cử năm 2020, trong đó quân đội chỉ nắm 33 ghế tại Quốc hội.
Bình luận (0)