Trong thư tịch Trung Quốc, từ Goguryeo được chép là “Cao Cú Ly” (chữ “ly” có bộ mã phía trước, nghĩa là ngựa ô), gọi tắt là “Cú Ly”.
Vương quốc này hình thành từ năm 37 trước Công nguyên (CN), kéo dài 705 năm, bị diệt vong năm 668, từng là một chính quyền dân tộc thiểu số có ảnh hưởng rất lớn ở miền Đông Bắc Trung Quốc.
Năm 108 trước CN, Hán Văn Đế thiết lập 4 quận để quản lý cả vùng Liêu Đông và Bắc bán đảo Triều Tiên. Người Cao Cú Ly tụ cư ở quận Huyền Thố.
Năm 37 trước CN, Chu Mông, người Phù Dư, đã xây dựng chính quyền Cao Cú Ly. Chu Mông (Jumong, 59-19 trước CN) lập quốc lúc mới 22 tuổi, người trong nước hầu hết đều lấy họ Cao (Ko).
Sau khi qua đời năm 40 tuổi được đặt tên húy là Chu Mông, hiệu là Thanh Minh Thánh đại vương. Thời thịnh nhất, thế lực của vương quốc này lan rộng khắp Bắc bán đảo Triều Tiên, Liêu Hà và Đông Nam Cát Lâm.
Năm 668, Cao Cú Ly bị liên quân triều Đường và Tân La (vương quốc hình thành phía Đông Nam bán đảo Triều Tiên) tiêu diệt.
Vương triều Cao Cú Ly ở Triều Tiên và vương triều Khiết Đan ở Trung Quốc, không còn tồn tại trên ngàn năm nay, vẫn còn nhiều điều bí ẩn. Gần đây, qua những phát hiện khảo cổ, lịch sử của những vương triều này đã được tái hiện một cách khoa học |
Từ đời Hán đến đời Đường, các vương triều phân lập đều nhìn nhận Cao Cú Ly là chính quyền rất hùng mạnh của dân tộc thiểu số vùng Tân Cương (lúc ấy xem như lãnh địa ngoài Trung Quốc).
Các triều Tùy, Đường tìm mọi cách, bằng mọi giá thống nhất bằng được Cao Cú Ly để triệt hậu hoạn. Xem mình là chính quyền địa phương, vương triều Cao Cú Ly cũng chủ động thiết lập mối quan hệ thần thuộc với vương triều trung ương.
Tuy sau cùng không tránh khỏi bị tiêu diệt, nhưng Cao Cú Ly cũng đã kịp xây dựng cho mình một bản sắc văn hóa riêng với những di sản độc đáo.
Cao Ly khác Cao Cú Ly
Trong một thời gian rất dài, người Trung Quốc luôn xem lịch sử Cao Cú Ly là lịch sử nước ngoài. Năm 918, nước Cao Cú Ly sau khi bị diệt vong 250 năm, tại bán đảo Triều Tiên xuất hiện một vương quốc tên Cao Ly.
Do người thống trị họ Vương nên để phân biệt với Cao Cú Ly, các nhà sử học gọi vương quốc ra đời sau là “Cao Ly họ Vương” (Vương thị Cao Ly). Vương quốc này phát triển mạnh, năm 935 thì thâu phục nước Tân La, sau đó diệt Bách Tề, thống nhất đại bộ phận bán đảo Triều Tiên.
Năm 1392, đại thần Lý Thành Quế soán ngôi, tự lập làm vua, năm 1393 dâng tấu lên triều Minh xin ban quốc hiệu để tỏ lòng thần phục. Nhà Minh phong Lý Thành Quế làm Triều Tiên Vương. Nước Cao Ly họ Vương đổi thành Triều Tiên, các học giả gọi đây là “Triều Tiên họ Lý” hoặc triều Lý.
Sở dĩ có sự nhầm lẫn xem Cao Ly họ Lý là người kế thừa của nước Cao Cú Ly là do liên quan đến những ghi chép trong sách sử Trung Quốc.
Trước đời Tống, sử chép rất chính xác về quá trình hình thành của nước Cao Cú Ly, nhưng sau do trải qua nhiều biến loạn, thư tịch không đầy đủ, từ đời Tống về sau trong sách sử bắt đầu có sự sai sót, nhầm lẫn về hai vương quốc này.
Huyện Hoàn Nhân, tỉnh Liêu Ninh và thành phố Tập An, tỉnh Cát Lâm hiện nay từng là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của vương triều Cao Cú Ly. Trải qua 465 năm, đây là vùng tập trung nhiều di sản văn hóa Cao Cú Ly nhất.
Vương thành, vương lăng, khu mộ táng quý tộc Cao Cú Ly bao gồm thành núi Ngũ Nữ, thành Quốc Nội, thành núi Hoàn Đô, 12 tòa vương lăng, 26 ngôi mộ táng, bia Hiếu Thái Vương và khu mộ tướng quân số 1 (bồi táng), tiêu biểu cho những di sản văn hóa huy hoàng của vương triều Cao Cú Ly.
Kim tự tháp phương Đông
Sau 1.200 năm Cao Cú Ly bị xóa tên trên bản đồ lịch sử, năm 1877, một viên thư lại triều Thanh là Quan Nguyệt Sơn tình cờ phát hiện một trụ đá nằm khuất trong vùng cây cỏ rậm rạp thuộc huyện Hoàn Nhân.
Trụ đá này chính là bia đá Hiếu Thái Vương. Năm 414, vua nước Cao Cú Ly là Hiếu Thái Vương Cao An (Đàm Đức) qua đời, an táng dưới chân núi cạnh sông Áp Lục. Thái tử Trường Thọ Vương Cao Liên chọn một khối đá cực lớn, cho gọt giũa thành bia đá để ghi chép công đức của phụ hoàng.
Bia đá này được gọi là “Đông phương đệ nhất bi”, cao hơn 6 mét, bốn mặt khắc 1.775 chữ Hán theo thể giữa Lệ thư và Khải thư. Đây là pho tư liệu văn tự lớn nhất về Cao Cú Ly còn lại đến nay.
Bích họa của người Cao Cú Ly |
Trong 12 tòa vương lăng, lớn nhất là lăng của vua đời thứ 20 Trường Thọ Vương trong khu mộ tướng quân ở núi Long Sơn, cách thành phố Tập An 4 km về hướng Đông Bắc, được tạo hình giống như kim tự tháp của Ai Cập cổ đại, nên được gọi là “Kim tự tháp phương Đông”.
Nền mộ dài 31 m, cao 12 m, có 7 tầng, kiến trúc hùng vĩ, tạo hình độc đáo, uy nghiêm chắc chắn, là hình ảnh thu nhỏ phản ánh kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng của Cao Cú Ly.
Vương thành Cao Cú Ly là đô thành được xây dựng theo lối thành ở đất bằng (Quốc nội thành) tựa vào thành núi (Hoàn Đô sơn thành) rất độc đáo, lúc bình thường thì sinh hoạt ở ngoài, khi nguy hiểm thì rút vào núi sâu có thành quách bảo vệ, tạo nên một mô thức thành trì khá hoàn chỉnh từ thời kỳ đầu CN.
Năm 2004, Hội nghị Ủy ban Di sản Văn hóa thế giới lần thứ 28 tổ chức tại Tô Châu đã chính thức công nhận khu mộ táng quý tộc, vương lăng và vương thành Cao Cú Ly là di sản văn hóa thế giới thứ 30 của Trung Quốc. Giờ đây, vương triều đã bị lãng quên ấy đã phục hiện trước mắt mọi người với diện mạo rất mới.
Bình luận (0)