Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bắt tay với Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Wunna Maung Lwin sau cuộc họp tại Washington. Ảnh: Yuri Gripas/Reuters
Quan hệ ngoại giao giữa hai nước sẽ được củng cố và các công ty của Mỹ sẽ có cơ hội được tiếp cận những thị trường mới, mà theo tuyên bố của Tổng thống Obama thì đây sẽ là “một chương mới” trong quan hệ giữa hai bên.
Ông Derek Mitchell là Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Myanmar, từng đến Myanmar nhiều lần trên cương vị này. Nếu quyết định bổ nhiệm ông làm đại sứ Mỹ tại Myanmar được Thượng viện Mỹ phê chuẩn thì đây sẽ là bước tiến quan trọng trong quan hệ giữa Mỹ và Myanmar.
"Hôm nay đánh dấu khởi đầu của một chương mới trong quan hệ giữa Mỹ và Myanmar”, ông Obama khẳng định trong tuyên bố của mình.
Tổng thống Obama cũng thông báo tới đây các công ty Mỹ sẽ được phép đầu tư và xuất khẩu các dịch vụ tài chính sang Myanmar. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo chính quyền quân sự trước đây của Myanmar vẫn sẽ được duy trì.
Hiện cũng chưa rõ liệu các doanh nghiệp Mỹ có được phép làm việc với công ty năng lượng quốc gia Myanmar Oil and Gas Enterprise hay không.
Quyết định của Tổng thống Mỹ được đưa ra sau khi Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia như Thụy Sĩ, Na Uy, Canada, Úc... đình chỉ hoặc bãi bỏ các lệnh trừng phạt đối với Myanmar.
Đại sứ Mỹ tại Myanmar đã được rút về sau cuộc bầu cử tại Myanmar năm 1990. Kể từ đó, cương vị đại diện ngoại giao giữa hai nước do một đại biện lâm thời Mỹ đảm trách ở Yangun, thủ đô cũ của Myanmar. Tháng 1-2012, Mỹ tuyên bố phục hồi quan hệ ngoại giao đầy đủ với Myanmar.
Bình luận (0)