Trong ngày 2 và 3-2, máy bay chiến đấu Nga thực hiện hơn 500 cuộc không kích trợ giúp quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad tấn công dồn dập vào Aleppo. Lực lượng tham chiến còn gồm phong trào Hồi giáo Hezbollah (Lebanon) và các nhóm dân quân người Shiite do Iran hậu thuẫn.
Ngoài việc cắt đứt tuyến đường nói trên, liên minh Nga - Syria hôm 5-2 còn kiểm soát thêm một số ngôi làng ở vùng ngoại ô, làm dấy lên viễn cảnh toàn bộ thành phố này sắp bị bao vây.
Báo The Washington Post (Mỹ) cho biết quân nổi dậy đang tỏ ra tuyệt vọng vì hứng chịu hơn 200 cuộc không kích chỉ trong 24 giờ qua. Các chỉ huy phiến quân đã kêu gọi tiếp viện khẩn cấp từ các khu vực khác ở Syria, đồng thời đề nghị phương Tây cung cấp thêm vũ khí.
“Chúng tôi đang bước vào trận đánh quan trọng nhất để ngăn cản chế độ (Assad) bao vây Aleppo. Trong những ngày tới, cuộc chiến sẽ rất khốc liệt nhưng chúng tôi sẽ chiến đấu tới giọt máu cuối cùng” - Abdul Salam Abdul Razzak, phát ngôn viên phong trào nổi dậy Noureddin al-Zinki, cho biết qua điện thoại.
Ngay cả khi cuộc hòa đàm Syria tại TP Geneva - Thụy Sĩ bị tạm hoãn trong 3 tuần do xung đột leo thang, Nga vẫn đẩy mạnh không kích Aleppo với mục đích ưu tiên là bảo đảm một chiến thắng ngoài chiến trường thay vì trên bàn đàm phán.
Tuy nhiên, hành động này gây lo ngại cho các tổ chức cứu trợ nhân đạo. Nếu thành phố bị phong tỏa, Liên Hiệp Quốc không thể gửi hàng cứu trợ và hàng trăm ngàn người sẽ lâm vào cảnh khó khăn. Chiến dịch không kích của Nga hiện buộc các tổ chức nhân đạo ngừng cứu trợ qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời đẩy khoảng 70.000 dân thường từ Aleppo chạy đến biên giới và mắc kẹt.
Mất Aleppo có thể khiến quân nổi dậy Syria thua hoàn toàn trong cuộc nội chiến kéo dài 5 năm qua. Không chỉ vậy, đây sẽ là một thách thức lớn đối với Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Saudi, hai nước hậu thuẫn chính cho quân nổi dậy trong thành phố.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov hôm 4-2 tiết lộ Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị can thiệp quân sự vào Syria, trong đó không loại trừ khả năng tiếp viện cho phiến quân. Những tháng gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường binh sĩ tại biên giới Syria nhưng ít có cơ hội can thiệp kể từ sau vụ máy bay Nga bị bắn rơi vào tháng 11 năm ngoái.
Trong khi đó, Ả Rập Saudi hôm 5-2 lần đầu tiên đề nghị gửi bộ binh tới Syria để chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhưng không nói rõ thời gian và địa điểm. Một số nguồn tin nói với báo Guardian rằng Ả Rập Saudi có thể bắt tay với Thổ Nhĩ Kỳ để triển khai hàng ngàn lính đặc nhiệm đến Syria.
Bình luận (0)