Đây được xem là “động thái can thiệp” vào cuộc tranh cử đang nóng bỏng.
Phát biểu trên kênh truyền hình quân đội Thái Lan ngày 15-6, ông Prayuth nhấn mạnh dân chúng không nên bỏ phiếu cho những người vi phạm đạo đức và luật pháp để bảo vệ chế độ quân chủ và thay đổi đất nước theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Phát ngôn của Tướng Prayuth gợi lại quá khứ can thiệp chính trị của quân đội Thái Lan. Ảnh: AP
Với phát biểu trên, tướng Prayuth hàm ý cử tri nào tôn trọng nhà vua thì không nên ủng hộ Đảng Puea Thai do cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra chống lưng thông qua người em gái Yingluck.
Giới quan sát xem đây là "động thái can thiệp" vào cuộc tranh cử đang trong giai đoạn nước rút. Tuy vậy, phát ngôn viên Đảng Puea Thai - Prompong Nopparit - tuyên bố không lo lắng về phát ngôn này.
“Chúng tôi cho rằng ông ấy không hậu thuẫn hay phản đối đảng phái nào. Vả lại, chính người dân Thái Lan mới có quyền quyết định tương lai của đất nước” - ông Nopparit nói.
Phát ngôn của tướng Prayuth được cho là nhằm vào bà Yingluck,
ứng viên thủ tướng của Đảng Puea Thai. Ảnh: AP
Việc mặc quân phục “định hướng cử tri” của tướng Prayuth đã gợi lại lịch sử can thiệp chính trị thường xuyên của quân đội Thái Lan với 18 cuộc đảo chính kể từ thập niên 1930 đến nay.
Đặc biệt, hành động này lại diễn ra ngay sau khi người phát ngôn quân đội Thái Lan, đại tá Sansern Kaewkamnerd, tái khẳng định quân đội sẽ tuân thủ cam kết về lập trường trung lập.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng tạm quyền Suthep Thaugsuban đã bác bỏ mạnh mẽ tin đồn ông gặp gỡ tướng Prayuth trước khi vị tướng này đưa ra phát biểu trên.
Là tư lệnh quân đội hùng mạnh, tướng Prayuth từng góp phần lật đổ thủ tướng Thaksin Shinawatra vào năm 2006 với cáo buộc xúc phạm Hoàng gia. Hiện nay, nhà vua Bhumibol đã 83 tuổi với sức khỏe suy kiệt, trong khi Thái tử Vajiralongkorn không được công chúng yêu mến như vua cha.
Bình luận (0)