Cả 2 loại vũ khí này đều là hàng đắt tiền. Một quả Tomahawk trị giá gần 1 triệu USD trong khi tổng chi phí ném một quả MOAB - còn gọi là GBU-43/B - gấp mấy chục lần. Tổng thống (TT) Trump là tỉ phú nước Mỹ, chuyện ông xài sang không có gì lạ. Cái lạ nằm ở chỗ khác, khó đoán biết.
Tại sao là IS-K?
Điều lạ thứ nhất là 2 vụ tấn công nêu trên, theo các chuyên gia quân sự phương Tây, đều không đạt kết quả mong muốn nhưng TT Trump vẫn tỏ ra mãn nguyện. Vụ tấn công căn cứ không quân al-Shayrat của Syria hôm 7-4, nơi Mỹ nghi ngờ tàng trữ vũ khí hóa học, không gây thiệt hại lớn như Lầu Năm Góc tuyên bố vì ngay sau đó, máy bay chiến đấu Syria vẫn hoạt động bình thường, sân bay chỉ tạm ngưng hoạt động chưa đầy 24 giờ.
Vụ ném siêu bom MOAB xuống khu vực hang động và địa đạo ở huyện Achin, tỉnh Nangarhar, thuộc miền Đông Afghanistan giáp ranh Pakistan, ngày 13-4 cũng bao phủ một màn bí ẩn. Quân đội Mỹ cấm nhà báo bén mảng tới nơi mà Mỹ xác định là hang ổ của một chi nhánh của IS ở Afghanistan mang tên ISIS-KP (gọi tắt là IS-K) để xác minh thiệt hại của địch. Ngay giới chức địa phương cũng không được phép điều tra xác minh tại hiện trường.
Giới quân sự Mỹ và Afghanistan khẳng định quả bom phi hạt nhân lớn nhất của Mỹ đã tiêu diệt được ít nhất 94 tên IS, trong đó có nhiều thủ lĩnh và không có thương vong nào về phía thường dân.
Về mục tiêu tấn công, tại sao Mỹ chọn IS-K mà không phải là Taliban - mối đe dọa trực tiếp và nguy hiểm nhất? IS hoạt động chủ yếu ở Iraq và Syria, ISIS-KP (Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria - tỉnh Khorasan) chỉ là một nhóm thánh chiến theo IS thành lập năm 2015 với khoảng 600-800 tay súng hoạt động ở Afghanistan và Pakistan, chỉ bằng 1/3 lực lượng Taliban ở 2 nước này.
Hai nhà sáng lập IS-K là Hafiz Saeed Khan (thủ lĩnh nhómTehreek-e-Taliban ở Pakistan) và Abdul Rauf Aliza (tư lệnh Taliban ở Afghanistan) đã chết trận cách nay 2 năm. Tóm lại, đây là một nhóm IS có tiếng nhưng không có miếng. Muốn “đánh IS chạy có cờ” như lời hứa lúc vận động tranh cử, TT Trump phải ném bom Iraq hoặc Syria mới đúng. TP Raqqa - Syria mới là đầu não của IS (còn gọi là ISIS hoặc ISIL).
Việc TT Trump xài bom MOAB gây một cơn địa chấn nhỏ, theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trong lịch sử gần 16 năm chiến tranh Mỹ ở Afghanistan (Mỹ gọi là chiến tranh chống khủng bố), đây là lần đầu tiên Mỹ dùng MOAB trên chiến trường. Thật ra, loại bom này được chế tạo vào năm 2003 để sử dụng ở chiến trường Iraq nhưng chưa bao giờ được TT Bush và TT Obama dùng. Mỹ chỉ có 15 quả MOAB trong kho vũ khí của mình. Vậy ý nghĩa vụ đánh siêu bom này ở Afghanistan là gì?
Tranh công
Nhà báo Mike Pearl của trang tin Vice đã tìm đến ông Faisel Pervaiz, chuyên gia về Nam Á của Công ty tình báo quân đội Stratfor (Mỹ), để tìm câu trả lời. Theo ông Pervaiz, TT Trump đặt nặng ý nghĩa chính trị của vụ ném bom “khủng” này lên trên hết.
TT Trump tạo ra sự kiện chấn động một ngày trước khi Nga tổ chức hội nghị hòa đàm giữa chính phủ Afghanistan và Taliban lần thứ 3 tại Moscow ngày 14-4. Tham gia hội nghị có quan chức ngoại giao cấp cao Afghanistan, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Pakistan, các nước Trung Á thuộc khối Liên Xô trước đây. Hội nghị mà Nga là nước chủ nhà và không có đại diện Mỹ này kêu gọi Taliban ngưng chiến, đàm phán trực tiếp với chính quyền Afghanistan.
Mỹ từ chối lời mời tham dự với lý do nghi ngờ “mục đích thật sự” của hội nghị. Tại buổi họp báo hôm 13-4 (ngày Mỹ ném bom MOAB ở Afghanistan), Mark Toner - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ - tuyên bố thẳng thừng: “Chúng tôi không biết mục đích hội nghị là gì. Hình như đây là nỗ lực đơn phương của Nga nhằm tạo ảnh hưởng trong vùng mà theo chúng tôi là không mang tính xây dựng trong lúc này”.
Việc chính quyền ông Trump từ chối hội nghị phản ánh mối quan hệ lạnh nhạt giữa Washington và Moscow ngày càng xấu đi. Để khẳng định quan điểm của mình về vấn đề Afghanistan, TT Trump ra lệnh “khai trương” quả MOAB ở Afghanistan trước thềm hội nghị Moscow.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Đức DW, bà Nicole Birtsch thuộc Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc tế (Đức) lưu ý rằng tháng 3-2016, Mỹ từng đề xuất thành lập Nhóm Điều phối bốn bên ( Mỹ, Afghanistan, Pakistan và Trung Quốc) do Mỹ đứng đầu, kêu gọi Taliban đàm phán với Islamabad. Taliban từ chối. Lần này, Nga đứng ra tổ chức một hội nghị tương tự, đương nhiên Mỹ không chịu nhường vai trò lãnh đạo cho Moscow.
Trong bối cảnh long - hổ tranh giành ảnh hưởng ở Afghanistan, việc thả bom chứa 11 tấn thuốc nổ TNT ở Afghanistan - và trước đó là vụ tấn công Syria bằng tên lửa Tomahawk - theo ông Pervaiz, là một thông điệp mạnh mẽ của chính quyền ông Trump gửi tới Moscow, rằng “chúng tôi là cường quốc số 1 trên thế giới. Chúng tôi có công cụ và phương tiện để chứng minh điều đó”. Nói cách khác, Nga đừng hòng soán ngôi Mỹ ở Afghanistan và làm chủ vùng Trung Đông.
Thật sự có một thông điệp như thế hay không dành cho Nga và có thể cho cả Triều Tiên? Trả lời câu hỏi này của báo đài, TT Trump lấp lửng: “Tôi cũng không biết (sự kiện ném bom MOAB ở Afghanistan) có gửi thông điệp gì không. Tôi không quan tâm đến chuyện đó”.
Kỳ tới: Taliban và Lithium
16 triệu hay 314 triệu USD?
Siêu bom MOAB giá bao nhiêu? Đây là câu hỏi gây tranh cãi trên báo chí Mỹ. Deagel, trang thông tin quân sự Mỹ, cho biết nếu tính gộp luôn chi phí phát triển và sản xuất, chương trình MOAB ngốn hết 314 triệu USD. Vị chi, giá xuất xưởng mỗi quả trị giá 16 triệu USD. Tuy nhiên, theo đại diện không quân Mỹ, đơn vị đầu tư và sản xuất MOAB chứ không phải Lockheed hay Boeing, những con số vừa kể đều không chính xác. Giá một quả chỉ có 170.000 USD. Hai tờ báo lớn The New York Times và Business Insider đưa ra những con số “khủng” ban đầu đã phải nói lại cho rõ.
Tuy nhiên, đó là chưa tính chi phí vận chuyển bom từ căn cứ không quân Mỹ đến huyện Achin, tỉnh Nangarhar. Nếu tính cả chi phí xăng dầu máy bay MC-130 chở bom đến đích, lương phi công và phi hành đoàn thì phải cộng thêm 32,752 USD/giờ bay cùng nhiều phụ phí khác. Tóm lại, chiến tranh là một trò chơi rất tốn tiền.
Bình luận (0)