Theo đài RFI, nhiều tờ báo Pháp đã cảnh báo “làn sóng tự tử” trong giới chủ doanh nghiệp Ý chưa thể sớm dừng lại. Báo La Croix ngày 17-4 giật tít lớn: “Khủng hoảng kinh tế đẩy các chủ doanh nghiệp nhỏ vào con đường tự tử!”. Báo Le Monde đặt câu hỏi: “Làm sao Ý đối phó được làn sóng tự tử?” và chỉ trích kế hoạch khắc khổ của Thủ tướng Ý Mario Monti là “thủ phạm” của thảm cảnh này.
Theo báo Le Figaro, từ đầu năm đến nay, tại Ý đã có 23 vụ tự tử vì “nạn nhân” không thanh toán được các khoản nợ nần chồng chất. Người thứ 23 tự tử là ông Salvatore Procentese, 60 tuổi, chủ tiệm bánh pizza, ngày 13-4 đã lao từ lầu cao 20 m xuống đất. Vụ gây chấn động toàn nước Ý là một chủ doanh nghiệp nhỏ bị truy tố vì trốn thuế đã tự thiêu sau 9 ngày hấp hối mới qua đời.
Theo thống kê của báo chí Ý, số chủ doanh nghiệp tự tử từ năm 2008 đến cuối năm 2011 tăng 25%, riêng năm ngoái có 187 người. Trong thời gian này có 39.000 xí nghiệp vừa và nhỏ phá sản. Các vụ tự tử xảy ra nhiều nhất ở vùng Venetia, nơi tập trung nhiều công ty nhỏ đã và đang bị phá sản hàng loạt. Các công ty vừa và nhỏ chiếm 90% hoạt động kinh tế Ý đang lâm vào tình thế vô cùng khó khăn do khủng hoảng nợ công của nhà nước.
Trung tâm Nghiên cứu Lao động Ý (CGIA) phân tích một số nguyên nhân gây ra nạn tự tử: Tăng thuế đột xuất, chính phủ vi phạm luật thanh toán đúng hạn đơn đặt hàng dẫn đến tình trạng nhà nước hiện nay nợ các công ty nhỏ hơn 70 tỉ euro! Từ năm 2009, một số chủ doanh nghiệp đã đấu tranh đòi nhà nước phải tôn trọng thời hạn thanh toán đơn đặt hàng theo chuẩn Liên hiệp châu Âu (EU) quy định.
Tuy nhiên, đòi hỏi chính đáng này chưa đạt hiệu quả. Trong khi đó, Hiệp hội Người tiêu dùng Ý và Công đoàn Lao động có sáng kiến thành lập Hội Tương trợ gia đình các chủ doanh nghiệp tự tử để giúp vợ con và người thân những nạn nhân xấu số vượt qua “thảm họa không đáng phải chịu”.
Bình luận (0)