Thông tin vụ bắt giữ bà Sabrina Meng Wanzhou, giám đốc tài chính tập đoàn thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei, ở Canada được công bố hôm 5-12.
Ngay trong ngày này, ông Patrick Ho, cựu Giám đốc Sở Nội vụ Hồng Kông bị tòa án ở TP New York - Mỹ kết tội rửa tiền và hối lộ liên quan tới các lợi ích dầu mỏ tại Chad và Uganda. Ông Ho làm điều này thay mặt cho Công ty Năng lượng Trung Quốc CEFC.
Đáng chú ý là ông Ho ra tòa và bị kết tội theo Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài (FCPA), một đạo luật Mỹ được thực thi từ năm 1977 nhằm vào hành vi hối lộ các quan chức nước ngoài.
Bất kể có sự dính líu của công dân Mỹ hay không, FCPA đã cho phép Washington trở thành cảnh sát chống tham nhũng của cả thế giới.
Thông tin của bà Meng Wanzhou hiển thị trên một máy tính tại Bắc Kinh. Ảnh: AP
"Có nhiều trường hợp mà toàn bộ hành vi phạm tội diễn ra bên ngoài nước Mỹ, do những người không phải công dân Mỹ thực hiện. Đó là các quan chức hoặc công ty không phải của Mỹ, thực hiện công việc kinh doanh bên ngoài nước Mỹ. Nhưng nếu bất kỳ khoản tiền nào được chuyển qua Mỹ, hoặc nếu có một tài khoản ngân hàng nào liên quan ở Mỹ, hoặc nếu một máy chủ đặt ở Mỹ được sử dụng để email, Washington sẽ có thẩm quyền thực thi pháp luật" - bà Wendy Wysong, làm việc tại Công ty luật Clifford Chance (Anh), giải thích về FCPA.
Hồi năm 2017, ông Eberhard Reichert, một công dân Đức và là một quan chức cấp cao của Tập đoàn Siemens, bị dẫn độ đến Mỹ. Ông này bị bắt tại Croatia vì cáo buộc dính líu đến âm mưu hối lộ các quan chức Argentina để giành một hợp đồng sản xuất thẻ căn cước vào năm 1996.
Vụ việc lớn nhất trong lịch sử FCPA có liên quan tới Công ty năng lượng quốc gia Brazil Petrobras. Hãng này bị Bộ Tư pháp Mỹ phạt số tiền 853,2 triệu USD vì hối lộ các quan chức tại Brazil. Petrobras sau đó đã tiếp cận các thị trường vốn của Mỹ và do đó được xem là nhằm trong quyền thực thi pháp luật của Mỹ.
Ông Patrick Ho. Ảnh: SCMP
Không vụ việc nào nói trên liên quan trực tiếp tới các thực thể hoặc công ty Mỹ nhưng phạm vi rộng lớn của FCPA cho phép Washington ra tay.
Trong nhiều thập niên, lệnh trừng phạt kinh tế trở thành một phần trong chính sách ngoại giao của Mỹ. Tuy nhiên, không như FPCA, lệnh trừng phạt mang tính chính trị và được thực thi nhằm gây áp lực tối đa lên các chính quyền mà Mỹ nhắm tới.
Không chỉ các công ty, cá nhân bị trừng phạt không được làm ăn với các thực thể Mỹ. Sự thống trị của đồng USD cũng như sự phổ biến của hệ thống nhắn tin liên ngân hàng SWIFT đồng nghĩa cũng có một lệnh trừng phạt không chính thức nhằm vào các quốc gia khác làm ăn với những nước bị trừng phạt.
Chẳng hạn như hồi năm 2015, ngân hàng Deutsche Bank bị phạt 258 triệu USD vì làm ăn với Iran và Syria. Deutsche Bank là một ngân hàng của Đức nhưng có nhiều hoạt động làm ăn tại Mỹ và sử dụng đồng USD. Điều này đồng nghĩa họ phải tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Cô Tatman Savio, làm việc cho Công ty luật Akin Gump Strauss Hauer & Feld (Mỹ), nhận định lệnh trừng phạt luôn được sử dụng như một đòn bẩy chính trị nhưng trong những năm gần đây đã được sử dụng quyết liệt hơn.
Mỹ đã sử dụng các lệnh trừng phạt kinh tế để gây sức ép lên Tập đoàn công nghệ ZTE (Trung Quốc) hồi đầu năm nay sau khi công ty này thừa nhận làm ăn với các quốc gia bị Washington trừng phạt.
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, các công ty Trung Quốc có thể tiếp tục bị nhắm tới. "Cuộc chiến thương mại và Mục 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ được thiết kế nhằm cản trở Bắc Kinh tiếp cận công nghệ cao của Washington" - ông Savio giải thích.
Bình luận (0)