Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết ông theo dõi sát sao quá trình tìm kiếm máy bay Boeing 737-500 của hãng Sriwijaya Air, trong khi Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia bắt đầu điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.
Ngày 10-1, lực lượng tìm kiếm đã thu được tín hiệu có thể phát ra từ hộp đen của chiếc máy bay gặp nạn. Cùng ngày, thợ lặn của Hải quân Indonesia tìm thấy mảnh vỡ từ chuyến bay SJ182. Cảnh sát nhận được 2 túi thi thể, một túi đựng đồ dùng cá nhân của các nạn nhân và một túi chứa hài cốt người. Lực lượng không quân phát hiện vết dầu tràn nghi là từ máy bay, bao phủ một phần lớn vùng biển phía Nam đảo Laki.
Đài CNN đưa tin một sở chỉ huy được thành lập tại Bệnh viện Cảnh sát Kramat Jati ở Jakarta phối hợp với các thành viên gia đình để xác định danh tính các hài cốt. Trọng tâm của cuộc tìm kiếm là khu vực nằm giữa các đảo của Laki và Lancang, với khoảng 28 tàu, 5 máy bay trực thăng và 2 máy bay trong nỗ lực chung giữa hải quân, cảnh sát, cảnh sát biển và Bộ Giao thông Vận tải Indonesia.
Thuộc dòng máy bay 737 phổ biến nhất thế giới, Boeing 737-500 được phát triển từ những năm 1960 để phục vụ chuyến bay ngắn và trung bình. Boeing 737-500 là mẫu máy bay cũ hơn Boeing 737 MAX được đưa vào phục vụ năm 1990 và thuộc thế hệ thứ hai trong số 4 thế hệ của 737.
Mảnh vỡ máy bay Indonesia bị rơi Ảnh: Reuters
Đây như một "hình thức thay thế" sau vụ máy bay của hãng hàng không Lion Air (Indonesia) rơi xuống biển năm 2018, sau khi cất cánh từ Jakarta với 189 người trên khoang. Theo trang web của Sriwijaya Air, máy bay gặp nạn hôm 9-1 ban đầu do hãng hàng không Mỹ khai thác. Máy bay này dùng động cơ do liên doanh Mỹ - Pháp CFM International sản xuất, được chỉnh sửa để chở 120 người (thông số kỹ thuật ban đầu là 145 người). Các chuyên gia hàng không cho biết thời hạn sử dụng của máy bay thương mại thường chỉ là 25 năm. Hầu hết máy bay 737-500 đều đã bị loại bỏ để nhường chỗ cho các mẫu mới tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Theo Rappler, dù luôn làm ăn thua lỗ nhưng Sriwijaya Air là hãng hàng không lớn thứ 5 Indonesia (chiếm 10% thị phần). Cuối năm 2019, Sriwijaya Air chấm dứt quan hệ đối tác kéo dài một năm với hãng hàng không quốc gia Garuda Indonesia và hoạt động độc lập. Ngay trước thời điểm kết thúc, Bộ Giao thông Vận tải cho ngừng hoạt động hơn một nửa đội bay của Sriwijaya Air vì lo ngại về khả năng bay.
Sriwijaya Air không đưa ra bình luận, trong khi Giám đốc điều hành Jefferson Irwin Jauwena khẳng định máy bay gặp nạn vẫn trong tình trạng tốt dù 26 "tuổi". Greg Waldron, biên tập viên quản lý khu vực châu Á của trang web hàng không FlightGlobal (Singapore), cho biết hãng hàng không này đã xóa sổ 3 chiếc 737 từ năm 2008 đến năm 2012 do hạ cánh không tốt. Trang Aviation Safety Network chỉ ghi nhận 4 tai nạn liên quan đến Sriwijaya Air, tất cả đều không có thương vong về người.
Từ năm 2007 đến 2018, Liên minh châu Âu (EU) cấm tất cả 51 hãng hàng không của Indonesia, trong đó có Sriwijaya Air, bay vào không phận của khối này sau một loạt vụ tai nạn cùng các báo cáo về tình trạng giám sát và bảo dưỡng xuống cấp. Từ năm 2007 đến 2016, Cục Hàng không Liên bang Mỹ đánh giá an toàn của Indonesia xuống loại 2, nghĩa là hệ thống quản lý không đầy đủ.
Bình luận (0)