Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông) dẫn lời các nhà địa chất Trung Quốc cảnh báo các thảm họa trên có thể xảy ra trong nhiều ngày, thậm chí là nhiều tháng tới.
Ông Phạm Hiểu, kỹ sư trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Tứ Xuyên, cho hay bờ sông Thanh Y - khu vực bất ổn nhất về mặt địa chất của tỉnh - đã bị ảnh hưởng nặng. Ngay cả trước động đất, khu vực gồm nhiều dãy núi cao và thung lũng sâu này đã luôn có nguy cơ lở đất. Và dư chấn vẫn tiếp diễn cộng với mùa mưa sắp tới càng khiến nguy cơ thêm rõ nét.
Một bé gái ngồi ăn mì trước lều tạm ở huyện Lô Sơn. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Tính đến chiều 22-4, đã có 2.283 dư chấn, mạnh nhất đạt cường độ 5,4 độ Richter. Bộ Đất và Tài nguyên cho hay đã có hơn 10 trận lở đất. Nhiều thị trấn ở huyện Lô Sơn, thành phố Nhã An (tâm chấn động đất) bị cảnh báo đỏ về lở bùn và lở đất.
Ngoài ra, cũng như nhiều con sông lớn khác ở Tứ Xuyên, sông Thanh Y gánh dày đặc các dự án thủy điện. Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc khẳng định 14 đập thủy điện lớn vẫn an toàn nhưng có 2 đập cỡ trung và 52 đập nhỏ bị hư hại, trong đó cư dân ở hạ lưu 5 đập đã được sơ tán.
Nhà địa chất học Dương Dũng ở Thành Đô, thủ phủ Tứ Xuyên, lo lắng vì “con đập gần nhất chỉ cách tâm chấn khoảng 10 km”. Theo kỹ sư Phạm Hiểu, nguy cơ lớn nhất sẽ tới khi các hồ chứa tích nước trong mùa hè.
Tứ Xuyên cũng là nơi đặt 9 cơ sở hạt nhân, nhiều nơi sử dụng cho mục đích quân sự. Công ty Điện hạt nhân Trung Quốc thông báo chưa có rò rỉ hay sụp đổ các tòa nhà và đã cử người đi kiểm tra độ an toàn.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Dân sự Trung Quốc ngày 22-4, đã có ít nhất 188 người chết, 25 người mất tích, 11.950 người bị thương và hơn 1,72 triệu người bị ảnh hưởng do động đất. Trong lúc lực lượng cứu hộ đang chạy đua thì theo tường thuật của Tân Hoa Xã, nhiều người dân ở Lô Sơn túc trực 2 bên đường nối đến các thị trấn miền núi hẻo lánh để chờ cứu hộ. Nhiều đứa trẻ đeo bảng cầu cứu: “Không thức ăn, không nước uống, không lều”.
Bình luận (0)