Với tư cách là vị tướng 4 sao, chỉ huy chiến trường vùng Vịnh và Trung Á, quan điểm không úp mở của Anthony Zinni về chính sách đối ngoại của Mỹ vốn có những bất đồng gây tranh cãi với cựu TT Bill Clinton. Và ngay lúc này, trên cương vị mới, quan điểm của ông cũng có khoảng cách với nhiều quan chức hàng đầu của chính quyền TT Bush hiện nay. Trong con mắt của Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell, những ý kiến của vị tướng về hưu Zinni là một trong những vũ khí hiệu quả nhất nhằm tạo áp lực, kéo các nhà lãnh đạo Israel và Palestine quay lại với lệnh ngừng bắn và những cuộc đàm phán hòa bình. Suốt những năm 1990, tướng Zinni, dựa vào sự chỉ huy của mình, đã trở nên nổi tiếng nhờ biết thiết lập các mối quan hệ cá nhân với nhiều tướng lĩnh có quan điểm cứng rắn. Ông đã từng uống Vodka với các nhà lãnh đạo Uzbekistan, ăn bánh sandwiche với các tướng Somalia. Quan hệ cá nhân của ông với TT Pakistan Pervez Musharraf đủ chặt chẽ đến nỗi TT Pakistan (cũng là một vị tướng) điện trực tiếp cho ông để tái bảo đảm sự ủng hộ đối với Mỹ sau khi lãnh đạo cuộc đảo chính quân sự cách đây hai năm. Ngoại trưởng Powell nói với báo giới hồi tuần qua: “Rồi các bạn sẽ thấy những gì mà Anthony Zinni khuấy động và thúc đẩy trên cương vị mới của ông ấy”. Tuy nhiên, đối với các quan chức chính quyền cũ của ông Clinton vốn có quan hệ với tướng Zinni, thì phong cách hơi thô cứng của vị tướng hải quân này làm lộ rõ gót chân Achilles của ông. Tưởng cũng nên nhắc lại, tướng Zinni là người sớm ủng hộ quan điểm của chính quyền TT Clinton về việc sử dụng lực lượng quân sự để thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình và nhân đạo. Những chính sách như thế hiện bị các quan chức ngoại giao hàng đầu và Lầu Năm Góc ở Mỹ chỉ trích gay gắt. Nhưng chính quan điểm của Zinni đối với Iraq đã đưa đến sự tranh cãi kịch liệt với Nhà Trắng thời ông Bill Clinton. “Tôi không nhìn thấy một nhóm đối lập nào có khả năng lật đổ ông Saddam Hussein vào thời điểm này. Tôi nghĩ điều đó rất khó, và nếu không được thực hiện bài bản nó sẽ là cuộc phiêu lưu rất nguy hiểm” - Zinni từng nhận định như vậy. Tính chất dị biệt đại loại như vậy vẫn còn đó, nó thể hiện qua sự tương phản giữa các quan điểm của giới chức trong chính quyền TT Bush và các nhà bình luận về chính sách đối ngoại thuộc giới bảo thủ.
Anthony có nhiều điểm tương đồng với Ngoại trưởng Powell - người bạn thân và là “sếp” mới của ông. Cũng như ông Powell, tướng Zinni là một cựu tướng lĩnh mà con đường binh nghiệp của ông được thử thách chủ yếu ở Việt Nam và sau đó là cuộc chiến mở rộng ở Iraq. Và cũng như ông Powell, Zinni từ một nhà chỉ huy quân sự trở thành một chính khách ngoại giao tầm cỡ. Nhưng, giới quan sát nhận xét, nếu như ông Powell là một nhà ngoại giao chải chuốt, lịch lãm, thì tướng Zinni lại tỏ ra thô cứng hơn, và dù được khoác bởi bộ âu phục, ông vẫn không giấu được cái chất “diều hâu” của mình.
Bình luận (0)