Mỹ và cộng đồng quốc tế đang gia tăng sức ép lên Taliban, buộc phong trào này đạt được một thỏa thuận nào đó với chính phủ Afghanistan. Điều này có thể dẫn đến việc Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani từ chức hoặc đảm nhiệm một vai trò bù nhìn.
Với việc Taliban hiện kiểm soát gần như toàn bộ trung tâm dân cư khắp cả nước trong khi chính phủ Afghanistan đang trên bờ vực sụp đổ, thách thức hiện tại là tìm ra phương án thuyết phục phong trào này chia sẻ quyền lực.
Theo ông Anish Goel, cựu quan chức cấp cao dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, các cuộc đàm phán hòa bình ở thủ đô Doha - Qatar đã sụp đổ và Taliban hiện không có bất cứ lý do nào để tiếp tục đàm phán. Ông Goel nhấn mạnh phong trào này hiện đã thâu tóm tất cả quyền lực ở Afghanistan và "rõ ràng là họ không muốn chia sẻ".
Taliban tuyên bố muốn thành lập một "chính phủ Hồi giáo bao trùm" với các phe phái khác và theo AP, họ đang đàm phán với giới chính trị gia cấp cao, kể cả các nhà lãnh đạo trong chính quyền trước đây.
Mặc dù Taliban đã cam kết cung cấp một môi trường an toàn để đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường sau hàng thập kỷ chiến tranh nhưng nhiều cư dân Afghanistan vẫn không tin tưởng, lo ngại nguy cơ xảy ra bạo lực và đàn áp khi phong trào này lên nắm quyền.
Một bé gái Afghanistan tại sân bay TP Rome - Ý hôm 16-8 sau khi được sơ tán khỏi thủ đô Kabul Ảnh: REUTERS
Nhiều người lo sợ việc Taliban trở lại cầm quyền sau 20 năm đồng nghĩa các quyền lợi của nữ giới bị cắt giảm nghiêm trọng. Mặc dù khẳng định sẽ ngừng áp lệnh cấm nữ giới đến trường, Taliban đến giờ vẫn chưa công bố một chính sách rõ ràng về nữ quyền. Thay vào đó, trong một tuyên bố ngày 17-8, ông Enamullah Samangani, một thành viên của Hội đồng Văn hóa Taliban, đã ban bố "lệnh ân xá" cho tất cả công dân Afghanistan, đồng thời kêu gọi nữ giới gia nhập chính phủ mới.
Theo tờ Hindustan Times (Ấn Độ), một vấn đề đáng quan tâm khác là liệu Afghanistan có thể trở thành địa điểm huấn luyện và hoạt động của các tổ chức khủng bố như al-Qaeda một khi Taliban lên nắm quyền hay không.
Trong một thỏa thuận hòa bình ký kết với Mỹ vào năm ngoái, Taliban cam kết chống chủ nghĩa khủng bố và ngăn Afghanistan trở thành căn cứ để phát động tấn công khủng bố. Tuy nhiên, Washington có rất ít "đòn bẩy" để yêu cầu Taliban thực hiện cam kết này và đây là điều khiến giới chức quân sự Mỹ lo lắng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 16-8 nhấn mạnh Washington có thể làm việc với một chính quyền mới ở Afghanistan biết tôn trọng và bảo vệ quyền cơ bản của người dân, trong đó có nữ quyền và không chứa chấp khủng bố. Vì thế, theo ông Price, hành vi của Taliban sẽ quyết định liệu Washington có công nhận chính quyền sắp tới ở Kabul hay không.
Tấm ảnh hơn vạn lời nói: Hơn 600 người Afghanistan nhồi nhét trong máy bay Mỹ
Cuộc khủng hoảng ở Afghanistan cũng là nội dung thảo luận chính khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lần lượt điện đàm với những người đồng cấp đến từ Pakistan, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh hôm 16-8. Đây là những quốc gia mà Washington tin có thể tác động đến tình hình ở Afghanistan. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Blinken còn điện đàm với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell.
Chia sẻ nỗi lo của Mỹ, ông Cảnh Sảng - Phó đại diện phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc - hôm 16-8 cảnh báo rằng Taliban không được phép để Afghanistan thành nơi trú ẩn của các phần tử khủng bố, gọi đây là "điểm mấu chốt cần được giữ vững cho mọi giải pháp chính trị trong tương lai ở Afghanistan".
Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại cam kết của Taliban về việc không để Afghanistan trở thành nơi thực hiện "những hành động bất lợi" cho Bắc Kinh, đồng thời tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng củng cố mối quan hệ "thân thiện và hợp tác" với Afghanistan.
Nối lại hoạt động sơ tán
Các chuyến bay quân sự sơ tán nhà ngoại giao và công dân khỏi Afghanistan đã được nối lại hôm 17-8 sau một ngày hỗn loạn ở sân bay thủ đô Kabul. Tướng Hank Taylor, phụ trách hậu cần tại Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết khoảng 2.500 binh sĩ Mỹ đang có mặt ở Kabul để hỗ trợ sơ tán nhân viên Mỹ và người dân Afghanistan đã làm việc cho Mỹ. Cũng theo ông Taylor, Washington dự kiến điều thêm binh sĩ đến Afghanistan để thực hiện nhiệm vụ này.
Cùng ngày, người phát ngôn của chính quyền Thủ tướng Đức Angela Merkel cho hay một trong những máy bay quân sự đầu tiên của Đức đến Kabul chỉ có thể sơ tán được 7 người do tình trạng hỗn loạn tại sân bay. Là quốc gia có lực lượng quân sự lớn thứ 2 ở Afghanistan sau Mỹ, Đức có kế hoạch sơ tán hàng ngàn công dân mang quốc tịch kép Đức - Afghanistan cũng như các nhà hoạt động nhân quyền, luật sư và những người từng làm việc với lực lượng nước ngoài. Với khoảng 600 binh sĩ tham gia sơ tán, Đức hy vọng có thể đưa thêm nhiều người hơn ra khỏi Afghanistan trong thời gian tới, đồng thời sử dụng thủ đô Tashkent của Uzbekistan làm trung tâm tiếp nhận số người này.
Trong khi đó, theo Reuters, máy bay quân sự Pháp đầu tiên chở công dân nước này rời khỏi Afghanistan đã hạ cánh ở thủ đô Abu Dhabi - Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly hôm 17-8 cho biết đang thu xếp tổ chức thêm một số chuyến bay tương tự trong thời gian tới.
Xuân Mai
Bình luận (0)