Theo báo chí TQ, hiện nay PLA có ít nhất 30 tướng nghệ sĩ trong các binh chủng. Nổi tiếng nhất là ca sĩ - thiếu tướng Bành Lệ Uyển. Thiếu tướng Bành, nhập ngũ năm 18 tuổi, là một chiến sĩ bình thường trước khi trở thành ca sĩ quân đội.
Ca sĩ - thiếu tướng Bành Lệ Uyển. Ảnh: THX
Nổi tiếng thứ hai là ca sĩ phó đô đốc hải quân Tống Tổ Anh. Năm nay 43 tuổi, bà Tống gia nhập hải quân năm 1991 ở tuổi 25 sau khi đã nổi tiếng cả nước về tài năng hát dân ca.
Có thể kể thêm thiếu tướng Lưu Mẫn, nghệ sĩ múa, phu nhân phó trưởng văn phòng liên lạc của Chính phủ TQ tại Hồng Kông, Lý Cương.
Theo giáo sư Nhĩ Lạc Hùng, khoa chính trị pháp luật Trường Đại học Hoa Đông Thượng Hải, việc tuyển chọn nghệ sĩ nổi tiếng tham gia quân đội là một chiến thuật quan trọng được áp dụng trong cuộc nội chiến chống Quốc dân Đảng những năm 40 thế kỷ trước. Ông nói: “Đội quân không chiến đấu này là lực lượng đặc biệt trong thời chiến có nhiệm vụ cổ vũ tinh thần chiến đấu của PLA”.
Tuy nhiên, giáo sư Nhĩ cho rằng chủ trương này đã bị lạm dụng trong thời bình khi các nghệ sĩ được phong quân hàm chỉ nhờ nổi tiếng và được cấp lãnh đạo ưu ái. Ông nói: “Các binh sĩ có thể thắc mắc tại sao những nghệ sĩ có thể dễ dàng được phong cấp tướng dù không hiểu kỹ năng tác chiến. Tại sao chúng tôi phải chịu hiểm nguy tính mạng khi chiến tranh nổ ra? Đâu là sự công bằng?”. Khi ca sĩ Tống Tổ Anh bất ngờ được phong quân hàm phó đô đốc hải quân, làn sóng bất bình lan rộng trong binh chủng hải quân.
Tướng về hưu Từ Quang Dụ giải thích: “Cấp bậc thực sự của nghệ sĩ thiếu tướng khác xa so với cấp bậc thiếu tướng chính quy. Đó là cấp bậc danh dự nhằm tôn vinh những đóng góp cho quân đội. Hàm thiếu tướng còn nhằm bảo đảm mức lương cao, được cấp nhà ở tốt và những quyền lợi khác trong cuộc sống”.
Bình luận (0)