Tờ Straits Times ngày 13-3 đưa tin lực lượng chức năng cho rằng họ đã tìm được mẹ của em bé xấu số khi bắt giữ người phụ nữ 22 tuổi vào ngày 11-2. Tuy nhiên, một tình tiết không ngờ đã xuất hiện.
Vào tuần này, kết quả giám định ADN cho thấy người phụ nữ trên không phải mẹ ruột mà là chị ruột của đứa bé. Người được cho là "bà ngoại" của bé, một người phụ nữ 49 tuổi, mới thật sự là mẹ của nạn nhân.
Tuy nhiên, "bà ngoại" khẳng định với phóng viên rằng bà không hề sinh ra đứa trẻ và cho rằng kết quả ADN không chính xác. Vụ việc gây sốc xảy ra tại TP Gumi, tỉnh North Gyeongsang.
Cảnh sát nghi ngờ 2 người phụ nữ sinh con gần như cùng 1 thời gian và 2 em bé đã bị tráo đổi. Bé gái xấu số không được đăng ký khai sinh trong khi tung tích của đứa bé còn lại vẫn chưa rõ. Cuộc điều tra đang được tiến hành.
Người được cho là "bà ngoại" của đứa trẻ thực chất là mẹ ruột. Ảnh: YTN
Người phụ nữ 22 tuổi, đang chờ bị xét xử, nói với cảnh sát rằng cô ta không hề hay biết "con gái" thực ra là em gái ruột của mình. Cô ta đã nuôi em bé 1 mình sau khi li hôn với chồng. Được biết, người phụ nữ này được nhận tiền trợ cấp nuôi con 200.000 won/tháng.
Cô này và cha mẹ ruột sống cùng khu căn hộ, cách nhau 1 tầng. Chính "bà ngoại" là người gọi cảnh sát sau khi tìm thấy thi thể đã trở thành xác ướp của đứa trẻ vào ngày 10-2. Được biết, họ không nhìn thấy đứa trẻ trong nhiều tháng sau khi "mẹ" của bé gái bỏ rơi em từ tháng 8-2020 để lấy chồng khác.
Người phụ nữ 22 tuổi nói với cha mẹ rằng cô ta đã đưa "con gái" đi cùng nhưng sau đó thừa nhận với cảnh sát cô ta bỏ rơi đứa trẻ vì không thể tự nuôi bé 1 mình. "Tôi bỏ con bé ở lại căn hộ khi tôi chuyển đi. Tôi không muốn nhìn thấy nó lần nữa vì nó là con của chồng cũ" - trích lời người phụ nữ.
Kết quả giám định pháp y cho thấy bé gái bị bỏ đói đến chết, trái ngược với những nghi ngờ ban đầu rằng bé bị giết trước khi người phụ nữ bỏ đi. Việc xét nghiệm ADN được thực hiện khi thi thể đã phân hủy. Đây cũng là lúc cảnh sát phát hiện ra bé gái và "mẹ" thực chất là chị em ruột.
Một sửa đổi đối với luật lạm dụng trẻ em, được gọi là Đạo luật Jung-in, đã được thông qua tại Quốc hội Hàn Quốc vào ngày 26-2. Hành vi lạm dụng trẻ em gây tử vong có thể bị kết án tử hình. Giờ đây, những kẻ bạo hành trẻ em có thể bị buộc tội giết người ngay cả khi họ vô ý gây ra cái chết.
Những người bị kết tội có thể đối mặt với án tử hình hoặc 7 năm tù giam, tăng lên 2 năm so với mức phạt tù tối đa hiện tại.
Bình luận (0)