Tờ The Economic Times (Ấn Độ) hôm 18-5 dẫn lời ông O’Farrell cho rằng xuất hiện nhiều mối lo ngại về những hành động cản trở hoạt động khai thác tài nguyên của các quốc gia khác, cùng với việc sử dụng tàu hải cảnh và cái gọi là lực lượng dân quân thực hiện các hoạt động nguy hiểm và cưỡng ép.
Theo ông O’Farrell, các tranh chấp ở biển Đông cần được giải quyết theo luật pháp quốc tế bởi bất kỳ hành động nào mang tính bắt nạt hay cưỡng ép cũng có thể làm leo thang căng thẳng.
Tàu Hải quân Hoàng gia Úc cùng các tàu chiến Mỹ diễn tập ở biển Đông hồi tháng 4 Ảnh: Reuters
Ông O’Farrell thúc giục các bên có những bước đi đáng kể để hạ nhiệt căng thẳng, xây dựng lòng tin thông qua đối thoại. Quan chức này cũng nhấn mạnh Úc ủng hộ các nước khác thực hiện những quyền của họ theo luật pháp quốc tế về tự do hàng hải và hàng không. Cao ủy Úc tại Ấn Độ khẳng định tàu chiến và máy bay của Úc sẽ tiếp tục hoạt động ở biển Đông và ủng hộ các nước khác cũng có hành động tương tự.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc thực hiện một loạt hành động gây hấn ở biển Đông giữa lúc các nước tập trung đối phó với đại dịch Covid-19. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho hay việc 2 tàu chiến của Mỹ hoàn thành hoạt động tự do hàng hải ở biển Đông vào tuần trước nhằm gửi đi thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc rằng Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ tự do hàng hải và thương mại cho tất cả quốc gia trong khu vực.
Bình luận (0)