New Zealand, cùng với Úc, lâu nay vẫn là 2 thế lực chính ở Nam Thái Bình Dương nhưng ảnh hưởng này đang dần rơi vào tay Trung Quốc. "An ninh quốc gia của New Zealand vẫn gắn liền với sự ổn định ở Thái Bình Dương. Khi các đảo quốc tại Thái Bình Dương phát triển, các đối tác truyền thống như New Zealand và Úc sẽ đối mặt thách thức trong việc duy trì ảnh hưởng" - văn bản trên nêu rõ.
Không dừng lại ở đó, báo cáo cho rằng Trung Quốc làm leo thang căng thẳng với các quốc gia khác, trong đó có Mỹ, khi theo đuổi các lợi ích ở châu Á. Bắc Kinh còn đang hiện đại hóa quân đội và phô trương sức mạnh kinh tế cùng tham vọng lãnh đạo. Tóm lại, văn kiện cảnh báo New Zealand đối mặt với "những thách thức lớn chưa từng có" tại khu vực lân cận.
Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Ron Mark (giữa) trong chuyến thăm Fiji hồi tháng 3-2018 Ảnh: FIJI SUN
Hãng tin Reuters cho rằng những nội dung chỉ trích của báo cáo sẽ làm quan hệ giữa New Zealand và Trung Quốc căng thẳng. New Zealand gần đây thông báo sẽ tăng viện trợ nước ngoài thêm gần 1/3, một phần nhằm đối phó tầm ảnh hưởng đang tăng của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương.
Vào tháng 9 tới, lãnh đạo New Zealand, Úc và các đảo quốc láng giềng dự kiến ký kết thỏa thuận mới về quốc phòng, luật pháp và trật tự cũng như viện trợ nhân đạo tại Diễn đàn Đảo quốc Thái Bình Dương ở Cộng hòa Nauru.
"Trung Quốc đang tăng cường ảnh hưởng khắp thế giới, trong đó có khu vực của chúng ta. Chúng ta muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc nhưng chúng ta có trách nhiệm làm việc với các nước láng giềng" - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Úc Peter Dutton cho biết.
Úc vào tháng rồi cho biết sẽ thương thảo một hiệp ước an ninh song phương với Vanuatu sau khi Thủ tướng Malcolm Turnbull cảnh báo Trung Quốc về ý định xây căn cứ quân sự ở đó và bày tỏ lo ngại về bất kỳ sự hiện diện quân sự lâu dài nào của nước ngoài tại khu vực. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ủng hộ lập trường của Úc khi khẳng định đất nước của bà "có quan điểm mạnh mẽ chống lại quân sự hóa ở Thái Bình Dương".
Bình luận (0)