Theo bà Bishop, Indonesia đề xuất cho lực lượng hải quân 2 nước tuần tra chung ở biển Đông tại một cuộc họp song phương ở đảo Bali hồi tuần trước. Nữ Ngoại trưởng Úc đánh giá đề xuất của Jakarta “phù hợp với chính sách thực hiện quyền tự do hàng hải của Canberra”.
“Điều đó phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như sự hỗ trợ của chúng tôi đối với hòa bình và ổn định khu vực” – bà Bishop nói trên kênh phát thanh ABC.
Cũng theo vị Ngoại trưởng này, Úc và Indonesia sẽ thông báo cho các nước khác trong khu vực về bất kỳ cuộc tập trận chung nào nếu nó diễn ra.
“Đây là một phần trong hoạt động của hải quân Úc, đồng thời là cam kết của chúng tôi trong khu vực. Tất cả đều phù hợp với quyền tự do hàng hải của Úc bao gồm cả ở biển Đông” – bà Bishop nhấn mạnh.
Úc và Indonesia đã tiến hành tuần tra chung ở biển Timor trong khuôn khổ hợp tác chống nạn buôn người và đánh bắt cá bất hợp pháp.
Úc hiện tại là một đồng minh quan trọng của Mỹ. Trước đó, Canberra chỉ trích Bắc Kinh về các chuyến bay giám sát trên các đảo nhân tạo xây trái phép ở biển Đông. Úc còn lên tiếng ủng hộ kế hoạch thực thi quyền tự do hàng hải của Mỹ tại vùng biển quốc tế này.
Đáp lại, Bắc Kinh vào tháng rồi thúc giục Canberra “nói chuyện và hành động thận trọng về biển Đông”. Bằng việc đơn phương thiết lập “đường chín đoạn” phi pháp, Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền hơn 80% tuyến đường biển trị giá 5 ngàn tỉ USD giao dịch thương mại mỗi năm này.
Hồi tháng 7, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague – Hà Lan bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc trong vụ kiện do Philippines đứng nguyên đơn. Bắc Kinh sau đó phủ nhận phán quyết và khẳng định sẽ “bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mình”.
Bình luận (0)