Đó là nhận định của tổng giám đốc Trung tâm Chernobyl về các vấn đề an toàn hạt nhân, chất thải phóng xạ và sinh thái phóng xạ - ông Mikhail Bondarkov - đưa ra ngày 14-3 .
Ảnh vệ tinh chụp nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1
Theo ông Bondarkov, tuy các lò phản ứng hạt nhân của nhà máy Fukushima số 1 của Nhật Bản liên tục phát nổ sau trận động đất dữ dội nhưng sẽ không xảy ra sự cố giống Chernobyl vì hai nhà máy có thiết kế khác nhau. Hơn nữa, tại nhà máy Fukushima không có gì cháy được vì chỉ toàn nước và uranium.
Ông Bondarkov cũng chỉ ra các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản đã được thiết kế ở mức độ an toàn cao. “Ở Nhật Bản có hơn 50 tổ máy, nhưng vấn đề chỉ xuất hiện tại một nhà máy, như vậy thiết kế đó an toàn. Việc cần làm là phân tích nguyên nhân gây hỏng các hệ thống làm mát lò phản ứng để hoàn thiện hơn”.
Vụ nổ lò phản ứng hạt nhân số 3 của nhà máy Fukushima số 1 sáng 14-3
Vụ nổ đầu tiên tại lò phản ứng số 1 chiều 12-3
Thảm hoạ nguyên tử Chernobyl xảy ra vào ngày 26-4-1986 khi nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Pripyat, Ukraina bị nổ. Đây được coi là vụ tai nạn hạt nhân trầm trọng nhất trong lịch sử.
Do không có tường chắn, đám mây bụi phóng xạ tung lên từ nhà máy lan rộng ra nhiều vùng phía tây Liên Xô (cũ), Đông và Tây Âu, bán đảo Scandinav, Anh và phía đông nước Mỹ. Thảm hoạ này phát ra lượng phóng xạ lớn gấp bốn trăm lần so với quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima.
Những ước tính về số nạn nhân khác nhau rất xa. Một bản báo cáo năm 2005 do Hội nghị Chernobyl, dưới sự tổ chức của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho rằng có 56 người chết ngay lập tức, gồm 47 công nhân và 9 trẻ em, vì ung thư tuyến giáp và ước tính có khoảng 9.000 người sẽ chết vì một loại bệnh ung thư nào đó. Riêng tổ chức Hoà bình xanh ước tính tổng số người chết là 93.000.
Bình luận (0)