The Guardian đưa tin ông Yoon tới Ukraine cùng với phu nhân Kim Keon-hee. Trước đó, nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lithuania và tới Ba Lan. Đây là chuyến thăm Ukraine đầu tiên của ông Yoon kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự bên nước láng giềng vào tháng 2 năm ngoái.
Tại Ukraine, ông Yoon đến Bucha và Irpin, hai thành phố nhỏ gần thủ đô Kiev, để đặt hoa tưởng niệm những người chết trong cuộc xung đột.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trong ngày 15-7, theo cố vấn cấp cao của ông Yoon, Kim Eun-hye.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã có chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine ngày 15-7. Ảnh: AP
Hàn Quốc, vốn là đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Á, đã tham gia cùng cộng đồng quốc tế trừng phạt Nga, đồng thời hỗ trợ nhân đạo và tài chính cho Ukraine. Tuy nhiên, Seoul vẫn không cung cấp vũ khí cho Kiev.
Đầu tháng này, ông Yoon thông báo Hàn Quốc chuẩn bị gửi thiết bị, xe cứu thương và các vật liệu phi quân sự khác dựa trên yêu cầu của Ukraine. Seoul cũng đã hỗ trợ Kiev sửa chữa con đập Kakhovka bị phá hủy hồi tháng trước.
"Hàn Quốc cam kết cùng với Mỹ và các nền dân chủ tự do khác nỗ lực bảo vệ tự do của Ukraine" - ông Yoon tuyên bố.
Trong chuyến thăm Hàn Quốc vào tháng 1 năm nay, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi Seoul hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Kiev vì "họ đang rất cần vũ khí".
Hồi tháng 5 vừa qua, ông Yoon đã gặp Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska tại Seoul. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cam kết mở rộng viện trợ phi sát thương cho Ukraine. Người phát ngôn của ông Yoon, Lee Do-woo, cho biết vào thời điểm đó, bà Zelenska không yêu cầu Hàn Quốc cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Ông Yoon cũng từng gặp ông Zelenskiy bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima - Nhật Bản hồi tháng 5. Ông Zelenskiy cảm ơn Hàn Quốc đã hỗ trợ thuốc men, máy tính, máy phát điện và yêu cầu Seoul đẩy mạnh hỗ trợ phi sát thương.
Trong một diễn biến khác, Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny nói với tờ Washington Post trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 14-7 rằng Mỹ đã "hạn chế việc sử dụng tên lửa tầm xa của Kiev" và "buộc quân đội Ukraine phải ứng biến khi tấn công Nga".
"Để cứu người của tôi, tại sao tôi phải xin phép ai đó để làm việc gì đó trên lãnh thổ của đối phương?" - ông Zaluzhny nói.
Theo ông Zaluzhny, ông đã "lách" các hạn chế của phương Tây bằng cách sử dụng vũ khí được sản xuất tại Ukraine khi tiến hành các cuộc tấn công xuyên biên giới.
Bình luận (0)