Động thái trên diễn ra sau khi Tập đoàn Gazprom của Nga thông báo ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine sau ngày 25-11 bởi Kiev không thanh toán trước tiền mua thêm khí đốt. Đáp lại, Ukraine cho biết chính nước này quyết định dừng mua khí đốt của Nga sau khi được các nước châu Âu khác chào mời bằng những mức giá rẻ hơn. “Không phải họ (Nga) ngừng bán khí đốt cho chúng tôi mà là chúng tôi không muốn mua nữa” - Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk giải thích. Ông Alexei Miller, Giám đốc điều hành Gazprom, sau đó cảnh báo quyết định của Ukraine có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho phần còn lại của châu Âu bởi hoạt động vận chuyển khí đốt an toàn đến châu Âu bị đe dọa trong mùa đông sắp tới. Moscow hiện sử dụng các đường ống dẫn của Kiev để vận chuyển một phần khí đốt đến những nước châu Âu khác.
Việc Ukraine dừng mua khí đốt Nga diễn ra chưa đầy 2 tháng sau khi 2 nước ký thỏa thuận do Liên minh châu Âu làm trung gian nhằm bảo đảm nguồn cung khí đốt cho Kiev đến hết tháng 3-2016. Theo thỏa thuận, Nga đồng ý hạ giá bán cho Ukraine xuống mức ngang bằng giá bán cho các nước lân cận khác, từ 251 USD/1.000 m3 xuống còn 230 USD/1.000 m3.
Cũng trong ngày 25-11, Thủ tướng Yatsenyuk còn thông báo quyết định đóng cửa không phận với tất cả máy bay Nga vì “lý do an ninh quốc gia cũng như trả đũa hành động khiêu khích của Moscow”. Hồi tháng trước, tất cả máy bay Nga bị cấm đến sân bay Ukraine nhưng vẫn được phép bay qua không phận nước này. Moscow sau đó đáp trả bằng bước đi tương tự khiến giữa 2 nước không có chuyến bay trực tiếp nào.
Quan hệ 2 nước còn căng thẳng sau vụ mất điện trên diện rộng ở bán đảo Crimea do 4 tháp cao thế truyền tải điện từ Ukraine đến địa phương này bị làm nổ vào cuối tuần rồi. Nga sau đó quy trách nhiệm vụ mất điện cho những người dân tộc chủ nghĩa Ukraine và các nhà hoạt động Tatar, đồng thời gọi đó là “hành động khủng bố”. Moscow cũng dọa ngưng cung cấp than cho Kiev để trả đũa vì cho rằng các nhà lãnh đạo Ukraine đã bật đèn xanh cho vụ phá hoại.
Theo đài BBC, Nga đã bắt đầu lắp cáp ngầm dưới biển để kết nối Crimea với lưới điện của mình. Tuy nhiên, phải mất vài năm để Nga trở thành nhà cung cấp điện chính cho bán đảo mà họ sáp nhập từ Ukraine hồi tháng 3-2014 này.
Bình luận (0)