Chính quyền Ukraine và quân ly khai đã đạt thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông, bắt đầu từ 18 giờ chiều 5-9, giờ địa phương, tức 22 giờ, theo giờ Việt Nam.
Lệnh ngừng bắn mong manh
Theo hãng tin RT của Nga, Kiev và các đại diện của 2 nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine đã ký kết thỏa thuận ngừng bắn bao gồm 14 điểm trong cuộc đàm phán có sự hiện diện của Nga và các quan chức Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại thủ đô Minsk của Belarus. Cuộc họp bắt đầu từ lúc 14 giờ cùng ngày nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột đã khiến gần 2.600 người thiệt mạng (theo ước tính của Liên Hiệp Quốc).
Phía lực lượng ly khai thân Nga khẳng định lệnh ngừng bắn sẽ không thay đổi chính sách ly khai khỏi Ukraine trong khi không nhiều người ở khu vực miền Đông Ukraine hy vọng lệnh ngừng bắn có thể kéo dài. Vài giờ trước khi lệnh ngừng bắn được công bố để khởi đầu cho kế hoạch hòa bình sâu rộng hơn ở miền Đông nước này, quân đội Ukraine và lực lượng ly khai tiếp tục giao tranh ác liệt gần thành phố cảng chiến lược Mariupol. Kiev cho biết lực lượng họ đang tìm cách ngăn chặn phe ly khai chiếm giữ Mariupol, một thành phố 500.000 dân nằm ven biển Azov. Trong khi đó, một thủ lĩnh phe ly khai nói với Reuters rằng họ đã bị quân chính phủ tấn công gần thành phố này từ đêm 4-9. Mariupol trở thành điểm nóng mới nhất trong cuộc xung đột kéo dài 5 tháng qua ở miền Đông Ukraine sau khi phe ly khai mở rộng chiến dịch phản công lực lượng chính phủ. Cuối tháng 8, các tay súng thân Nga đã chiếm thị trấn Novoazovsk, cách Mariupol gần 50 km về phía Đông. Kiev cáo buộc Moscow hỗ trợ phe ly khai mở rộng lãnh địa.
Tiếng súng và đạn pháo cũng được nghe thấy ở TP Donetsk, thành trì của phe nổi dậy hôm 5-9. Ngoài ra, lực lượng dân quân Azov tuyên bố đang cùng binh sĩ Ukraine tấn công ngược lại để tái chiếm Novoazovsk.
Mỹ - EU tiếp tục trừng phạt Nga
Bất chấp lệnh ngừng bắn, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang thảo luận việc chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Nga. Một số nguồn tin cho biết mục đích của các biện pháp mới là lĩnh vực ngân hàng, năng lượng và quốc phòng của Nga. Ngoài ra, sẽ có thêm những phụ tá của Tổng thống Vladimir Putin bị đưa vào danh sách cấm nhập cảnh của Mỹ và EU. Một quan chức Anh giấu tên nói với đài BBC rằng các biện pháp trừng phạt mới sẽ được Mỹ và EU công bố trong ngày 5-9 nhằm tăng sức ép “buộc ông Putin ngồi vào bàn đàm phán và rút quân khỏi Ukraine”. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng đe dọa thắt chặt trừng phạt Nga nếu tình hình Ukraine không có tiến triển tốt. Dù vậy, ông nói thêm mọi chuyện sẽ phụ thuộc vào những gì xảy ra trong những giờ tới.
Cả Ukraine và phương Tây đang cáo buộc Nga đưa quân và vũ khí để hỗ trợ lực lượng ly khai nhưng Moscow luôn bác bỏ. Hôm 4-9, người phát ngôn Lầu Năm Góc Steven Warren cho biết Nga không ngừng tăng quân gần biên giới với Ukraine và hiện đã nhiều hơn so với ước tính của NATO. Ông Warren cho biết: “Hơn 10.000 binh sĩ Nga đang có mặt dọc biên giới Ukraine. Lực lượng này hiện thiện chiến và nguy hiểm hơn trước đây”. Không những thế, theo ông Warren, lực lượng này còn được hỗ trợ bởi các vũ khí tối tân như pháo, rốc-két, hệ thống phòng không… và các kỹ thuật viên, đội ngũ hậu cần đông đảo.
NATO giúp Ukraine
Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen hôm 4-9 cho biết liên minh quân sự này đã phác thảo một loạt biện pháp toàn diện nhằm giúp đỡ Ukraine. Gói viện trợ của NATO cho Ukraine có tổng trị giá khoảng 15 triệu euro gồm hỗ trợ về hậu cần, phục hồi chức năng thương binh, phòng thủ mạng, hệ thống chỉ huy, kiểm soát và liên lạc. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố các quốc gia thành viên NATO cam kết sẽ hỗ trợ cho Kiev dưới hình thức “cung cấp các thiết bị quân sự sát thương và phi sát thương”. Đề cập tới vấn đề tham gia liên minh quân sự này, Tổng thống Poroshenko cho rằng điều đó phải do chính người dân Ukraine quyết định.
Bình luận (0)