Ngoài ra, ông Yatseniuk cho rằng “phần còn lại của thế giới” sẽ không công nhận kết quả của cuộc trưng cầu ý dân của Cộng hòa tự trị Crimea về việc sáp nhập vào Nga, dự kiến diễn ra vào ngày 16-3 tới.
Cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (thượng viện) Valentina Matviyenko và thủ lĩnh tất cả 4 đảng phái tại Duma Quốc gia (hạ viện) đều cam đoan ủng hộ “quyết định lịch sử” của Crimea khi người dân bán đảo tự trị bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân nói trên. Trong khi đó, Hội đồng thành phố Sevastopol - nằm bên bờ biển Đen trên bán đảo Crimea, nơi trú đóng của hạm đội biển Đen của Nga - cũng bỏ phiếu thông qua việc sáp nhập vào Nga và phá bỏ mọi mối liên hệ với Ukraine.
Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc điện đàm kéo dài 1 giờ với Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 7-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ chính quyền mới ở Kiev lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính vi hiến và Moscow không thể làm ngơ trước những kêu gọi giúp đỡ từ những người nói tiếng Nga ở Crimea. Vì thế, theo hãng tin Reuters, ông khẳng định cách hành xử của Moscow hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo phương Tây lại không nghĩ thế. Sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama ra lệnh trừng phạt các quan chức và tổ chức Nga đe dọa chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) hôm 6-3 cũng quyết định ngừng đàm phán với Nga về vấn đề miễn thị thực nhập cảnh. Các nhà lãnh đạo EU còn cảnh báo về khả năng khối này phong tỏa tài sản hoặc áp đặt lệnh cấm vận vũ khí nếu Moscow không đối thoại với chính phủ lâm thời Kiev.
Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, ông Alexander Lukashevych, đánh giá việc EU ngưng đàm phán thị thực nhập cảnh với Nga mang động cơ chính trị, không có tính xây dựng và không có cơ sở, trái với các thỏa thuận hiện nay giữa Nga và EU. Ông Lukashevych dọa Moscow sẽ nhanh chóng đáp trả nếu quốc gia nào đó siết chặt chế độ thị thực đối với công dân Nga. Đại sứ Nga tại EU Vladimir Chyzhov cũng cảnh báo lệnh trừng phạt chống lại Nga sẽ là một sai lầm khác nữa của EU. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng các biện pháp trừng phạt không phải là cách tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Trong một diễn biến khác, lực lượng biên phòng Ukraine hôm 7-3 cho biết 30.000 lính Nga hiện có mặt ở Crimea, so với con số 11.000 lính thường trú ở đó trước khi khủng hoảng nổ ra.
Bình luận (0)