Lịch pháp có quan hệ rất mật thiết trong y thuật Tây Tạng, bao gồm cả thiên văn học và địa lý học. Theo đó, một năm chia ra 4 mùa, 12 tháng, 24 tiết khí rất tỉ mỉ. Cơ thể con người cũng như vạn vật trong vũ trụ đều do 4 đại nguyên tố địa, thủy, hỏa, phong cấu thành.
Dược liệu và lịch pháp
Khi hành nghề y, hái thuốc là môn bắt buộc trong y thuật Tây Tạng. Các loại cây cỏ ở mỗi mùa khác nhau, thậm chí từng giờ trong ngày, dược tính đều có biến đổi, dẫn đến công hiệu khác nhau. Một lương y Tây Tạng thực thụ thường tự mình đi hái thuốc, tuân thủ rất nghiêm ngặt vào từng mùa, từng giờ. Chính vì thế, trong trị liệu, người Tây Tạng cũng phối hợp theo nguyệt lệnh, rất chú trọng đến thời gian nấu thuốc, dùng thuốc, thậm chí thời gian nào thì chủ trị bệnh gì nhằm đạt đến hiệu quả cao nhất.
Chịu ảnh hưởng Phật giáo, các thầy thuốc Tây Tạng coi việc hái thuốc trị bệnh là một phương thức tu hành, cứu độ chúng sinh. Mỗi sáng, trước khi đi hái thuốc đều tụng niệm trước tượng Phật Dược Sư. Thường thì mùa hạ và mùa thu là thời gian hái thuốc tốt nhất. Hái hoa làm thuốc nên hái lúc đầu hạ; lá và mầm cây nên hái lúc giữa hạ; hạt, rễ, cành, quả thực phải hái vào mùa thu; vỏ cây nên lấy vào mùa đông. Có những loại quả mà dược tính mạnh nhất lúc mới kết, số khác thì lúc chín làm thuốc mới công hiệu. Một loại dược thảo tính hàn phải sinh trưởng ở vùng đất lạnh thì dược lực mới mạnh, nếu mọc ở thảo nguyên ấm áp thì không làm thuốc được.
Cao nguyên Thanh Tạng là nơi có nhiều dược liệu quý hiếm nổi tiếng xưa nay. Những đàn bò được thả ở đây thoải mái ăn những cây cỏ quý hiếm và uống nguồn nước tinh khiết từ tuyết tan ra nên sữa của chúng cũng là nguồn dược liệu rất quý, khác với mọi nơi. Trà sữa là món uống thường ngày của người Tây Tạng, nhờ đó mà nơi đây trở thành khu vực có số người trường thọ cao nhất thế giới.
Tuy không có những trang thiết bị khám bệnh hiện đại nhưng về chẩn đoán bệnh thì y thuật Tây Tạng không thua kém tây y là mấy. Chẩn đoán bệnh là nội dung quan trọng nhất trong y thuật Tây Tạng. Một thầy thuốc bị sai lầm từ giai đoạn đoán bệnh thì dù ông ta có giỏi về dược liệu đến mấy cũng chẳng có tác dụng gì.
Phương pháp chẩn bệnh Tây Tạng chia làm 3 loại: Sắc chẩn (quan sát sắc diện), mạch chẩn (bắt mạch) và vấn chứng (hỏi han), tương tự như các thủ thuật “vọng”, “thiết” và “vấn” trong đông y.
Sắc chẩn là phương pháp quan sát biểu hiện của bệnh nhân, gồm có: Quan sát bề ngoài, quan sát lưỡi và quan sát nước tiểu. Quan sát bề ngoài là nhìn da của bệnh nhân xem độ bóng sáng, đàn hồi như thế nào; thể hình ra sao cũng như độ nhạy của mắt, tình trạng ra mồ hôi. Quan sát lưỡi là khám đầu lưỡi, rêu lưỡi, gốc lưỡi, gốc răng xem màu sắc, độ sáng, độ khô hoặc ẩm, các triệu chứng khác thường. Thể chất mạnh hay yếu, bệnh chứng hàn hay táo của bệnh nhân đều thể hiện qua lưỡi.
Niệu chẩn
Niệu chẩn là phương pháp chẩn bệnh cổ xưa và độc đáo của Tây Tạng, cho đến nay vẫn rất được các thầy thuốc coi trọng vì khi phối hợp với mạch chẩn có thể giúp chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe bệnh nhân.
Trước khi khám 1 ngày, bệnh nhân không được ăn các thức ăn quá ngọt, quá chua, quá béo, không được uống rượu, phòng sự hay lao động nặng. Nước tiểu bệnh nhân chỉ lấy vào lúc sáng ngủ dậy, bỏ quãng đầu và cuối, cho vào lọ gốm trắng hay thủy tinh. Thầy thuốc phải chẩn bệnh ngay khi nước tiểu còn nóng, chủ yếu là xét màu sắc, mùi vị, độ bọt, độ nóng và độ lắng của nước tiểu để định bệnh. Màu nước tiểu của người bình thường sẽ có màu vàng nhạt hoặc vàng vừa, người có bệnh khí mạch không thuận thì nước tiểu chuyển màu trong nhạt, người bị nhiệt táo thì nước tiểu vàng sẫm. Ở người bình thường, nước tiểu có mùi hơi khai, nếu có mùi quá khai hoặc không mùi thì đều là trạng thái bất thường. Độ khai nặng hay nhẹ phản ánh bệnh tính hàn hay nhiệt, bệnh phát ở gan, mật hay thận, tì…
Khi kiểm tra độ bọt, thầy thuốc dùng que khuấy lọ nước tiểu, sau đó quan sát tình trạng nổi bọt từ màu sắc, số lượng, độ lớn nhỏ, thời gian tan. Người có sức khỏe bình thường sẽ có ít bọt khí nổi lên, màu bọt tương tự màu nước tiểu, đồng thời độ lớn nhỏ của bọt đều nhau. Người có bệnh thì khác. Chẳng hạn, người bệnh về khí mạch thì bọt nước tiểu thường to và có màu xanh lơ; người bị nhiễm độc thì bọt nước tiểu lớn nhỏ không đều, màu sắc biến đổi vô chừng.
Độ nóng và độ bốc hơi của nước tiểu cũng là tiêu chí quan trọng để các thầy thuốc Tây Tạng định bệnh. Nếu nước tiểu có độ nóng cao và thời gian bốc hơi nhanh chứng tỏ bệnh nhân mắc bệnh cấp tính, nếu bốc hơi chậm là bị bệnh nhiệt mạn tính. Nếu nước tiểu ít nóng mà bốc hơi quá nhanh chứng tỏ bệnh nhân mắc bệnh tính hàn.
Quan sát độ lắng và màu sắc vật lắng của nước tiểu cũng có thể đoán bệnh. Nước tiểu sau khi bay hơi, những chất cặn sẽ dần dần lắng xuống. Ở những người khỏe mạnh thì hầu như không thấy chất cặn trong nước tiểu. Nếu chất cặn trong nước tiểu nhỏ li ti và không lắng xuống thì chứng tỏ người bệnh thuộc chứng hàn; nếu chất cặn thành lớp dày và nổi là bệnh thuộc chứng nhiệt; nếu chất cặn lắng xuống sát đáy lọ là bệnh ở thận, ruột hoặc khối u. Hình dạng của chất cặn cũng phản ánh bệnh, như cặn giống vụn cát là bệnh từ thận…
Kỳ tới: Những phương pháp chữa bệnh bí ẩn
Phải nắm vững lịch pháp
Sự vận hành của thiên thể ảnh hưởng đến sự thay đổi thiên khí và 4 đại nguyên tố khiến cho vạn vật đều bị chi phối. Về mặt đại thể, có thể thấy thực vật là thứ thể hiện rõ nhất sự ảnh hưởng của lịch pháp, chẳng hạn cây cối mùa xuân sinh trưởng, mùa đông điêu tàn. Cũng vậy, núi sông, đất đá hay các loài động vật cũng bị chi phối theo sự vận chuyển của mặt trời, mặt trăng, các vì sao cũng như hoàn cảnh địa lý. Người học y thuật Tây Tạng phải nắm vững mối quan hệ trên cũng như quy tắc vận hành tinh vi của lịch pháp ảnh hưởng đến cơ chế sinh bệnh như thế nào.
Bình luận (0)